Cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo phong tục Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày ông Công ông Táo chầu Trời để báo cáo về công, tội của từng người, từng nhà ở nhân gian trong một năm qua. Vì vậy, hàng năm, lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp được người Việt rất coi trọng, các gia đình dù bận rộn đến mấy cũng dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa mâm lễ nhỏ.
Vậy cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà, nên cúng trên ban thờ gia tiên hay ở bếp?
Cúng ông Công ông Táo cũng tùy vào phong tục từng vùng, có nơi cúng Táo Quân trên ban thờ gia tiên, có nơi lại đặt mâm cúng ở bếp.
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải đặt ở một nơi riêng. Có thể đặt mâm lễ trong nhà, dưới bếp nhưng tuyệt đối không nên đặt trên bàn thờ chính.
Có ý kiến cho hay, việc cúng ông Công ông Táo ở bếp bởi từ xa xưa cuộc sống của người Việt đã quây quần bên bếp lửa.
Tuy nhiên, có ý kiến khác lại nói rằng cúng Táo Quân là cúng chung 3 vị thần: Thần Đất - Thần Nhà - Thần Bếp. Vì thế phải đặt mâm lễ tại ban thờ chính - nơi trang trọng nhất của nhà, hơn nữa, nếu gia chủ cúng ông Công ông Táo ở bếp là nơi nấu nướng sẽ bị xem là thiếu trang trọng.
Hiện nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định cúng ông Công ông Táo ở đâu, trên ban thờ gia tiên hay ở bếp mới đúng. Vì thế, cúng ông Công ông Táo ở đâu tùy thuộc vào văn hóa, quan niệm của từng vùng miền mà thực hiện.
Cúng ông Công ông Táo giờ nào mới đúng?
Ngoài việc cúng ông Công ông Táo ở đâu thì cúng giờ nào cũng là điều nhiều người quan tâm. Cúng ông Công ông Táo nên được thực hiện vào khung giờ: 5h-7h hoặc 9-11h bởi theo các chuyên gia lý giải: 5-7h sáng ngày 23 là giờ Mão - giờ Đại An.
Cúng Táo quân vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí gia chủ.
9-11h ngày 23 là giờ Tỵ. Đây là giờ Tốc Hỷ. Tiễn Táo quân lên chầu trời vào khung giờ này, Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, chuyên gia phong thủy còn khuyên mọi người cần phải làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.
Trong buổi cúng tiễn ông Táo về trời, gia chủ có thể chuẩn bị cỗ chay hoặc mặn. Lễ vật chuẩn bị bao gồm: Cá chép, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà và trái cây…
Ngoài ra, trong buổi lễ gia chủ phải chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó có đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ.
Tác giả: