2 năm dương thọ bù đắp tội nghiệt
Cuối những năm Khang Hy, có ác bá tên Lưu Hoàng sống ở bờ sông. Thường ngày ông ta luôn ỷ mạnh nạt yếu, ức hiếp rất nhiều người.
Năm nọ, mưa bão liên miên, nước sông dâng cao, thuyền nhỏ chở nặng đều sẽ bị dòng nước nhấn chìm. Hôm đó, mọi người tình cờ thấy một thai phụ kêu cứu giữa dòng nước nhưng không ai dám ra giúp.
Lúc này duy chỉ có Lưu Hoàng tức giận nói: "Các người là nam tử hán đại trượng phu kiểu gì thế? Lấy đâu ra cái lý thấy chết không cứu như vậy?"
Thế là ông ta tự mình chèo chiếc thuyền nhỏ đuổi theo đến ba bốn dặm, mấy lần suýt lật thuyền, cuối cùng đã cứu được người phụ nữ. Ngay hôm sau cô ta sinh hạ một bé trai.
Hơn một tháng sau, Lưu Hoàng đột nhiên bị bệnh, ông ta liền bảo vợ chuẩn bị hậu sự. Khi đó người này vẫn có thể đi lại, đứng thẳng, trông có vẻ bệnh không nặng lắm.
Vì vậy mọi người đều cho rằng lời nói và hành động của ông rất kỳ lạ.
Vậy nên Lưu Hoàng than thở với họ: "Thực ra ta không thể khỏe lại được. Đêm hôm cứu thai phụ đó, ta đã mơ một giấc mơ.
Ta tình cờ đi đến ngoài cửa một phủ quan. Một tên lính dẫn ta vào. Có vị quan cầm cuốn sổ chỉ vào ta nói một hồi, ta mới hiểu hóa ra chuyện là thế nào.
Vị quan đó nói thế này:
‘Thường ngày ngươi làm nhiều chuyện ác. Đến ngày X năm nay, sau khi chết, ngươi sẽ đầu thai làm lợn. Sau này 5 đời đều bị giết thịt.
May mà hôm nay, ngươi cứu được 2 mạng người, tích được âm đức. Theo luật pháp âm gian có thể kéo dài 2 năm tuổi thọ. Giờ dùng 2 năm này để bù đắp tội ác thường ngày nên ngươi vẫn phải chết vào ngày đã định.
Vì kỳ hạn đã đến, ta sợ người đời không hiểu rõ sự việc, không biết tại sao ngươi đã làm việc thiện mà vẫn phải chết sớm, nên ta cố ý gọi ngươi đến nói rõ chuyện này, để ngươi biết nguyên cớ trong đó.
Nhân quả đời này đã kết thúc, ta mong kiếp sau ngươi sẽ cố gắng hướng thiện.’
Sau khi tỉnh giấc, vì rất ghét giấc mơ này nên ta không dám kể với người khác. Giờ kỳ hạn đã đến, quả nhiên bị bệnh, ta còn có thể có hy vọng sống sao?"
Không lâu sau, đúng là Lưu Hoàng thật sự chết vào ngày đã định. Điều này có thể thấy pháp luật âm gian cũng rất nghiêm minh, nhân quả báo ứng không hề sai.
Trên đời, công bằng nhất không gì qua được luật nhân quả
Cổ nhân từng giảng, không được tạo ác nghiệp; thiện nghiệp mới có thể giúp người lên thiên đường, tạo ác nghiệp chỉ thể hạ địa ngục, con người được thăng thiên, hay bị giáng hạ địa ngục, đều là tùy vào niệm đầu của chúng ta mà ra.
Cái gọi là “tam hảo chi gia” chính là chỉ thân, khẩu, ý. Thân làm chuyện tốt, miệng nói điều tốt, tâm tồn thiện niệm chính là “tam hảo”. Phía trước có hai con đường, một con đường thiện, một con đường ác, chúng ta đến ngã ba, nên chọn đường nào, “tam hảo” này sẽ giúp chúng ta quyết định con đường nên đi.
Có người còn hoài nghi về quan hệ nhân quả thiện ác. Vì có người làm chuyện tốt lại không thấy phúc báo, làm chuyện xấu vẫn vinh hoa phú quý. Tuy nhiên, đó chính là nhân quả, người này làm chuyện xấu, nhưng có nhân duyên phú quý nên có nhiều tiền gửi ngân hàng, bạn không thể không cho họ lấy. Còn bạn làm việc tốt, tại sao chưa có phúc báo, đó là vì bạn đang mắc nợ, làm người tốt thì có thể không trả nợ sao? Kinh tế có nhân quả của kinh tế, đạo đức có nhân quả của đạo đức, sức khỏe có nhân quả của sức khỏe.
Muốn khỏe mạnh phải tập thể dục, phải chú ý dinh dưỡng và vệ sinh, không phải nói ta bái Phật ăn chay là có thể sống lâu trăm tuổi, đây là hiểu biết sai lầm về nhân quả. Muốn phát tài, phải cần cù, nỗ lực cố gắng trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Có nguyên nhân mới có kết quả, bởi vì nhân không tương ứng, thì không thể đắc quả.
Duyên là cần điều kiện, không thể đơn độc tồn tại. Bạn muốn ăn cơm, phải có nông dân, muốn mặc quần áo, muốn mua đồ đạc phải có thương nhân, giao thông cần có lái xe, con người cần phải có rất nhiều duyên phận mới có thể tồn tại.
Tác giả: