Nhân vật chính trong bộ ảnh là ông Nguyễn Cảnh Dần (89 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dung (83 tuổi) hiện đang sinh sống tại TP. Vinh, Nghệ An.
Theo chia sẻ của người thực hiện bộ ảnh cũng chính là cháu trai của hai ông bà, Phương Ngô vô cùng bất ngờ khi biết những tấm hình nhận được sự yêu mến của cộng đồng. Chàng trai cho biết bộ ảnh được thực hiện nhanh chóng trong khoảng 15 phút vào chiều ngày 26/1, với những công đoạn chuẩn bị đơn giản vô cùng.
“Mình có nói với ông bà là cháu sẽ chụp cho hai người một bộ ảnh nhớ đời. Ông bà hào hứng lắm! Chiều ông mình đi họp ở phường về là đèo bà ra địa điểm chụp luôn!” - Phương Ngô nói.
Ông Dần trước đây từng là bộ đội Trường Sơn ròi chuyển về Vinh làm ở kho lương thực. Tại đây, ông quen biết bà Dung và hai người nên duyên vợ chồng.
Thời đó khó khăn, đám cưới không được tổ chức linh đình như hiện tại. Ông bà chỉ đơn giản làm bữa cơm thân mật với gia đình và tất nhiên không có tấm ảnh nào gọi là ảnh cưới. Chính vì vậy, Phương Ngô đã quyết định chụp bộ ảnh cưới sau 65 năm chung sống cho ông bà.
“Mình chọn địa điểm là cổng thành cổ Vinh một phần vì ông mình từng là bộ đội, hai là mình muốn ghi lại cảm xúc của ông bà tại chính nơi hai người quen nhau”.
Chứng kiến cảnh đó, người dân xung quanh lẫn người đường dừng lại rất đông để xem và chụp ảnh vì chung cảm nhận với Phương Ngô, họ ghen tị tình cảm hai ông bà dành cho nhau.
Phương Ngô chia sẻ con cháu trong gia đình đều ngưỡng mộ tình yêu của ông bà. Ở độ tuổi này, khi người ta nghĩ các cặp vợ chồng già sống với nhau vì trách nhiệm thì ông Dần bà Dung vẫn trao nhau những hành động ngọt ngào như thời còn son. “Em có còn yêu anh nữa không?” là câu hỏi mà ngày nào ông cũng hỏi bà và tất nhiên bà gật đầu rồi cười hạnh phúc.
Trước đó, bộ ảnh kỉ niệm ngày cưới của vợ chồng ông Đặng Kim Nham (SN 1928) và vợ là bà Phạm Thị Lưu (SN 1926) ở TP Hải Dương cũng từng gây sốt trên mạng xã hội.
Chị Đặng Dung, cháu nội của họ, chia sẻ về tình yêu của ông bà mình: “Sống với nhau đã 65 năm, ông bà mình chưa bao giờ to tiếng với nhau. Khi có xích mích, giận dỗi, bao giờ ông cũng là người làm lành trước. Lúc đó ông thường cười trừ rồi xin lỗi bà, trêu bà đến khi nào bà cười mới thôi.
Đặc biệt ông rất chiều bà. Tuổi đã cao nên bà hay ăn uống thất thường. Cứ ăn một vài miếng là lại bỏ ra. Ông thường ăn luôn chỗ thức ăn thừa của bà để lại.
Bà đòi ăn uống gì, bất kể trời mưa, ông vẫn mặc áo mưa đi mua đồ theo đúng ý bà. Ông bảo: “bà ấy khó ăn, mua đúng đồ bà ấy thích thì bà ấy còn ăn được nhiều. Chứ mấy đồ khác, bà ấy không ăn, ốm ra đấy thì ai chăm ông”".
Cũng theo chị Đặng Dung, ông bà chị có bốn người con, một người từ mất lúc nhỏ. Ông là bộ đội, xa nhà thường xuyên, một tay bà quán xuyến, buôn bán đủ nghề, chăm sóc con cái, là hậu phương cho ông yên tâm công tác.
Từ ngày về hưu, ông dành toàn bộ thời gian chăm sóc bà, muốn bù đắp lại cho bà những năm tháng tuổi trẻ một mình gánh vác công việc nhà chồng, nuôi con.
Chia sẻ về bộ ảnh, chị Đặng Dung cho biết thêm: “Nhà mình kinh doanh dịch vụ ảnh. Gia đình cũng có ý định chụp cho ông bà bộ ảnh kỉ niệm từ khá lâu nhưng do bận rộn nên năm nay gia đình mình mới thực hiện được.
Với tâm nguyện muốn lưu lại những khoảnh khắc giản dị mà đẹp đẽ đó mình đã nghiên cứu, lên ý tưởng thực hiện sao cho bộ ảnh thể hiện đươc tình yêu giản dị của ông bà còn Tuấn Minh, em trai mình, là người chụp ảnh".
Tác giả: