Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, phía đại diện người lao động đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ trên 7% đến trên 8%. Thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022.
Ông Hiểu cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm qua, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II là 3,92 triệu đồng, vùng III là 3,42 triệu đồng và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng I sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng II lên 4,16 triệu; vùng III đạt 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.
Vì tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình bị ảnh hưởng. Cuộc sống của một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra một vài lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022.
Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Hiện nay kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, người lao động hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh cùng với giá cả leo thang. Thời điểm này buộc phải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, việc tăng lương sẽ là động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 là có thể thực hiện được.
Lý giải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thay vì tháng 1/2023 theo như kiến nghị VCCI, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tăng sớm sẽ tránh dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Những chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2022
-
Những đối tượng nào được tăng lương lên 7,4% trong năm 2022?
-
Những đối tượng được tăng lương hưu từ năm 2022?
-
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 1/2022: Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
-
Những nhóm đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu kể từ 1/1/2021?