Câu hỏi của con trẻ: Có kỹ năng cao, có thu nhập cao sẽ hạnh phúc chăng?
Có một ngày, con gái đang là học sinh trung học hỏi tôi: “Ba mẹ mong muốn con thi vào trường có tiếng tăm, các bạn học của con cũng cho rằng cần phải có kỹ năng tốt để sau này ra trường xin vào các công ty lớn làm việc, như vậy mới có thu nhập cao. Ai ai cũng cố sức để đạt được những điều đó, nếu cả đời đều như vậy, thì có đáng giá không?
Có kỹ năng tốt sẽ được vào làm việc ở công ty lớn, sẽ có chức vị lớn, sẽ được hưởng lương cao, như vậy mới thực sự là cuộc sống sung sướng sao? Như vậy thật sự mới hạnh phúc sao? Nhưng sao mà con lại cảm thấy cuộc sống như thế không hề có ý nghĩa. Con người ta sống chỉ tranh nhau danh vị, cố sức mà tranh cao thấp, chỉ vì hưởng thụ vật chất đủ đầy, thật là nhàm chán”.
Thật hiển nhiên, con gái tôi đang trong quá trình tự hỏi chính mình, cũng không biết suy nghĩ của mình liệu có đúng hay không, nó cảm thấy hoang mang, bối rối không biết nên lựa chọn như thế nào. Là nên lựa chọn giống đa số mọi người hay là tự đi theo suy nghĩ của riêng mình, tự tin bước trên con đường đi tới tương lai mà mình lựa chọn?
Tiền có thể mua được kỹ năng nhưng không mua được con người
Tôi không bắt buộc con mình phải lựa chọn thi vào các trường đại học danh giá, nhưng cũng không phủ định ưu thế cũng như giá trị của những trường này. Vấn đề là, cần nhìn nhận việc này như thế nào, cần lựa chọn như thế nào cho phù hợp với bản thân mình, chứ không phải cứ mù quáng chạy theo thị hiếu xã hội.
Mỗi người có một quan niệm sống như thế nào là tốt, như thế nào mới thực sự có ý nghĩa. Nếu hiểu rõ ràng những lý này thì mới có thể tự đưa ra lựa chọn đúng đắn cho chính mình.
Vì vậy, việc đầu tiên tôi cần làm lúc này, đó là dẫn dắt con gái, để cho con hiểu được mong muốn chân chính của bản thân là gì và làm thế nào để theo đuổi nó.
Tôi bèn nói với con: “Trong tương lai, bất kể con lựa chọn làm nghề gì, nắm giữ được kỹ năng gì, dù con có bao nhiêu tiền, chức vị cao thấp ra sao, đều là làm một người trong xã hội này: bên ngoài thì lo giao tiếp với người khác, về nhà lại đối mặt với các sự việc trong gia đình.
Nhìn thì thấy thật phức tạp, vất vả… Nhưng kỳ thực nó cũng không có gì là phức tạp, chỉ cần con thực hiện điều này: lấy chân thành đối với mọi người, dùng sự nhiệt tình, trân trọng và tôn trọng người khác mà đối đãi với nhau. Không cần tìm đâu xa, mà chỉ cần con xem bản thân con muốn điều gì thì sẽ hiểu người khác mong muốn cái gì”.
“Con có thể nghĩ lại xem, tiền bạc và vật chất có đem đến hạnh phúc, vui sướng cho con không? Ví như lúc ba con không ở nhà, con cảm thấy lẻ loi; những lúc con cần có ba mẹ bên cạnh để nói chuyện, tâm sự, vui đùa… nhưng ba con lại luôn không ở nhà mà ngày đêm bận lo kiếm tiền để lo cho con những thứ tốt nhất, mua cho con những thứ con yêu thích.
Tuy rằng những thứ đó cũng quan trọng, trong lòng con lúc đó cũng rất vui vẻ, nhưng có thể từ trong sâu thẳm nội tâm của con lại cảm thấy một sự vắng vẻ, mất mát, bất an, thậm chí có thể còn có một chút oán hận. Cho nên, theo con thì con người sống là cần cái gì? Chính là cần sự quan tâm, tình cảm, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đó là theo đuổi hướng về tinh thần, là tình thương yêu của con người”.
Bây giờ đây, con tự đặt câu hỏi, tự băn khoăn như vậy, chứng tỏ trong tâm con đang có sự bối rối, như vậy cũng là một việc tốt. Cho dù con lựa chọn học nghề gì, lựa chọn trường nào, chỉ cần có tác dụng, có ích cho xã hội thì mẹ đều ủng hộ con, quan trọng là dù ở đâu, làm gì con không được đánh mất bản thân mình, không được đánh mất niềm vui đích thực sự trong tâm của mình.
Nếu như con có thể học kỹ năng thật tốt, thì muốn cống hiến cho xã hội, muốn làm việc có ý nghĩa đều có thể làm. Ví như con thích âm nhạc, con cứ học âm nhạc cho tốt, sau này có thể sáng tác ra những bài nhạc hay khiến cho người nghe có thêm hy vọng trong cuộc sống, như vậy cũng là có thể giúp ích cho người khác, là làm việc có ý nghĩa. Như vậy thì kỹ năng của con đã được sử dụng đúng nơi đúng chốn chứ không phải là vì tiền tài, điều này chẳng phải là hạnh phúc sao?”
Sau cuộc nói chuyện này, con gái tôi cảm thấy thật thoải mái, bởi những băn khoăn, bất an trong lòng đã được giải khai. Cô bé cũng đã hiểu bản thân mình nên có lựa chọn như thế nào về nghề nghiệp và trường học phù hợp cho mình.
Là cha mẹ, chúng ta hãy ủng hộ con cái được nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê của chúng. Hãy để cho con được sống cuộc đời của mình.
Thomas Edison đã làm đi làm lại thí nghiệm hơn 200 lần mới phát minh được bóng đèn sợi tóc và điều đó đẩy nhanh sự tiến bộ của xã hội với một vận tốc chóng mặt, tại sao chúng ta không đủ kiên nhẫn để chia sẻ và ủng hộ con mình nuôi dưỡng ước mơ mỗi ngày, để từ một ước mơ được chăm chút và vun trồng bằng sự yêu thương, kiên nhẫn và kỷ luật, con chúng ta có thể cống hiến cho xã hội những thành quả tuyệt vời đến từ việc hiện thực hóa ước mơ?
Tác giả: