Loại tiền thứ nhất: Đầu tư vào bản thân, tự thân trưởng thành
Tiền dành cho việc học, nhất định phải tiêu!
Đầu tư tiền bạc vào chính bộ não của bản thân, đó chính là phương thức quản lý tài chính an toàn nhất và sau này, cho dù đi đến đâu, bạn cũng không bao giờ phải rơi vào cảnh nghèo đói.
Có thể rất nhiều người sẽ phản bác lại rằng: “Đến ba bữa cơm ăn còn chưa no, gánh nặng kinh tế khiến người ta ngột thở, làm gì còn tiền mà tính đến chuyện học hành? Mà học rồi cũng chưa chắc đã nhìn thấy hiệu quả ngay!”
Những người có suy nghĩ như thế sẽ chẳng bao giờ dùng tiền đầu tư cho việc nâng cao trình độ của bản thân.
Trên thực tế, nếu ở vào cảnh ngộ “nghèo rớt mồng tơi” thì chính “cái đầu” mới là nơi cần được đầu tư nhất, để thoát nghèo. Nếu chúng ta sở hữu bộ não nghèo nàn, cả đời sẽ khó mà giàu cho được!
Một người, nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt hoặc bị những khó khăn trước mắt che khuất tầm nhìn mà không thể nhìn cao, nhìn xa hơn, rất có thể cả cuộc đời người đó chẳng thể tìm thấy cơ hội để đổi đời.
Khó khăn là điều hiển nhiên mà mỗi người phải gặp nếu đã sống trên đời. Đừng oán trách mà hãy tìm cách khắc phục.
Bằng cách nào? Câu trả lời chính là tôi rèn bản thân và tự học hỏi, đầu tư vào việc “tăng chất” cho não bộ. Có như vậy, con người mới có thể có nền tảng, cơ sở để bứt phá, tiến lên.
Vì lẽ đó, tiền học tập là khoản tiền nhất định phải tiêu, cho dù tạm thời có thể đó là khoản tiền phải vay mượn nhưng dù vay mượn cũng rất đáng. Đầu tư vào việc học, bạn nhất định sẽ tìm được đường ra, không chỉ trả hết nợ mà còn kiếm thêm được rất nhiều.
Loại thứ hai: Tiền hiếu thuận nhất định phải tiêu
Trên đời này chuyện gì cũng có thể đợi, duy chỉ có việc hiếu kính cha mẹ là chẳng thể thong dong. Bởi lẽ: “Mẹ già như chuối chín cây, biết ngày nào rụng, biết ngày nào rơi!”; “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”.
Có bước nào trên chặng đường con đi mà không chan chứa tình yêu vô bờ và tâm huyết mẹ cha? Chúng ta lớn lên từng ngày thì cha mẹ lại già đi từng ngày. Cứ mải miết với cuộc sống, bất chợt chúng ta phải nhói lòng khi nhận ra: Mỗi mùa xuân qua mái tóc cha mẹ lại thêm nhiều sợi bạc, khóe mắt lại thêm nhiều nếp nhăn, ánh mắt mờ đi và đôi chân chậm lại.
Do đó, tiền hiếu thuận ở đây chính là khoản tiền trích ra chu cấp, biếu bố mẹ. Khoản tiền này không thể không tiêu!
Có thể sẽ có người cho rằng khi bản thân mình còn chưa giàu, tiêu còn chưa đủ hoặc vẫn còn nợ nần chồng chất, về cơ bản không có tiền để biếu bố mẹ đều đặn; cũng có người có thể sẽ nói gia đình mình khá giả, bố mẹ cũng đã đủ tiền tiêu, không cần phải biếu thêm…!
Tuy nhiên dù điều kiện kinh tế của bố mẹ có thế nào, khoản tiền hiếu thuận với bố mẹ nhất định nên cố gắng có để biếu các cụ.
Hãy thử nghĩ mà xem, bố mẹ các bạn có bao giờ vì thiếu tiền, phải vay nợ mà bỏ mặc các bạn không nuôi các bạn khôn lớn nên người? Họ, dù có nghèo đến thế nào cũng vẫn cố gắng hết sức dưỡng dục con cái trưởng thành, không phải vậy sao?
Loại thứ ba: Tiền báo đáp nhất định phải tiêu
Tiền báo đáp trong đó có tiền từ thiện, tiền báo đáp xã hội và báo đáp cả những người xung quanh mình…
Trong cuốn sách “Cha giàu cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki viết rằng, người cha giàu tin tưởng sâu sắc rằng tiền, trước tiên phải bỏ ra mới mong có hồi đáp.
Vì thế, khi còn trẻ, mỗi người hãy tự hình thành một thói quen “bỏ ra” thay vì khư khư giữ của, bất luận là ở vào hoàn cảnh nào cũng nên quyên góp tùy theo khả năng để báo đáp xã hội.
Trong khi đó người cha nghèo thì nói rằng, chỉ cần có dư tiền, nhất định sẽ quyên góp nhưng cả đời ông ta chẳng lúc nào dư giả.
Bất luận là nghèo đến đâu, trên thế giới vẫn có những người bất hạnh hơn bản thân chúng ta. Bởi vậy, hãy luôn giữ một trái tim yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ và báo đáp xã hội.
Những lần tới, nếu nhìn thấy những người đang miệt mài lao động mưu sinh, ví dụ như những người bán hàng rong… hãy dành cho họ sự tôn trọng và nghĩ rằng, biết đâu việc mình mua ủng hộ họ một thứ gì đó, có thể giúp cả gia đình họ có thêm niềm vui hay một bữa cơm ấm cúng…
Tác giả: