Ếch và ốc sên tranh luận ai sướng hơn, cuối cùng hành động bất ngờ của chim ưng khiến mọi người "vỡ lẽ"

( PHUNUTODAY ) - Trời sinh mỗi người đều có ưu nhược điểm riêng và đều có chỗ dùng, cho nên đừng bao giờ bi lụy.

Trong một cái hồ nọ có một con ốc sên và một con ếch, cả hai cùng chung sống dưới một mái nhà nên thường xuyên gặp nhau. Nhưng cứ mỗi khi gặp ếch, ốc sên thường chẳng tỏ thái độ gì, có những lúc ếch chào mà ốc sên cũng chỉ ừ một tiếng cho xong chuyện rồi bỏ đi ngay, thái độ đó khiến cho ếch cảm thấy rất khó chịu.

Có một hôm, ếch đã không thể chịu đưng hơn được nữa, nó quyết định phải hỏi ốc sên cho ra nhẽ: “Này ốc sên, tôi có làm gì đắc tội với anh đâu, tại sao anh lại ghét tôi như vậy? Gặp tôi mà anh cứ coi như không thế?”.

Thấy ếch có thái độ rất thẳng thắn, ốc sên liền nói ra nỗi khổ của mình: “Họ hàng nhà ếch của anh ai cũng có bốn chân, có thể nhảy hết chỗ này tới chỗ nọ, trong khi đó tôi ngày nào cũng phải mang chiếc vỏ nặng trịch này, lê bước đi chậm chạp, cho nên trong lòng cảm thấy không vui”.

Ếch nghe thấy vậy mới nói rằng: “Ai cũng có cái khó riêng của mình. Anh chỉ nhìn thấy sự vui vẻ của chúng tôi, nhưng lại không hề nhìn thấy sự đau khổ của chúng tôi”.

“Các anh thì có gì là đau khổ chứ?”– Ốc sên hỏi ếch với vẻ hoài nghi.

Khi ốc muốn hỏi rõ nguyên nhân thì một con chim ưng từ trên cao đột nhiên lao xuống, ốc sên vội vàng cuộn vào trong vỏ của mình, chỉ thương cho con ếch là đã bị con chim ưng kia ăn mất. Ốc sên nhìn con chim ưng bay xa mà trong lòng cảm thấy hết sức đau xót.

Quả thực là, trời có khi nắng khi mưa, trăng có khi tròn khi khuyết. “Sông có khúc, người có lúc”, ấy là lẽ tự nhiên. Giữ tâm bình lặng trong sóng gió cuộc đời, một người nhìn thấu nguyên nhân của được – mất. Và hiểu ra, chỉ có một trái tim thuần tịnh, vị tha, dũng cảm mới là bảo vật quý giá nhất của đời người.

Phải chăng chúng ta đang lấy hạnh phúc của người khác để trừng phạt chính mình?

Thực tế chẳng phải là như vậy hay sao? May mắn của người khác vốn dĩ là chuyện tốt, nhưng người ta lại biến nó thành công cụ để trừng phạt bản thân. Nếu ta nhìn hạnh phúc của người khác bằng tâm thái so bì, cạnh tranh, hay ganh đua không cần thiết, thì sau cùng người duy nhất bị tổn thương vẫn chỉ là chúng ta.

Mỗi người đều được Thượng Đế ban cho rất nhiều phúc khí khác nhau. Có người thì sự nghiệp thăng tiến nhưng cơ thể lại không khỏe mạnh; có người thì học vấn uyên thâm nhưng cuộc sống hôn nhân lại trắc trở, gập ghềnh; cũng có người thì hiểu biết sâu rộng nhưng lại thường trằn trọc mất ngủ vào mỗi đêm; lại có người giàu sang phú quý nhưng không thể sống tự do thoải mái.

Bởi mỗi cá nhân khác nhau có phúc phận khác nhau, thì sao ta không thể dùng con tim quảng đại mà đối đãi với chính mình? Nếu có thể trân quý những gì ta đang có, thay vì so đo với phúc phận của người khác, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Thế giới của ta thật giàu có và phong phú đến nhường nào.

Tác giả:

Tin nên đọc