Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Quốc gia Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội Việt Nam): Cây sấu có tên khoa học là Dracontomelum duperreanumP, thuộc Họ Đào lộn hột. Quả sấu xanh dùng nấu canh chua, quả chín dùng ăn hay làm mứt sấu. Cây ưa trồng ở nơi đất pha cát, mùa xuân ra hoa, mùa hạ kết quả, mùa thu quả chín.
Trong Đông y, sấu là loại quả tính bình, vị chua, chát khi quả còn xanh, ngọt khi chín. Có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giải độc, giải say rượu, phong độc, nôn do thai nghén, trị ho...
Lương y Sáng cho biết, trong Đông y vẫn thường tin dùng loại quả "dân dã" này để trị rất nhiều căn bệnh phổ biến trong cuộc sống, dùng được cho cả trẻ em lẫn người lớn. Sấu vừa có giá thành rẻ, vừa lành tính lại có tác dụng trị ho, ngứa cổ, đau họng... vì vậy, hậu COVID-19, F0 ho không có triệu chứng nghiêm trọng có thể sử dụng các bài thuốc từ sấu.
Bài thuốc trị ho, tăng cường tiêu hóa, giảm đau họng từ quả sấu
Bài thuốc chữa ho từ quả sấu
- Cách 1: Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Cách 2: Cùi sấu tươi 25g sắc với 250ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày.
- Cách 3: Lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2-3 lần uống trong ngày.
- Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
F0 có đặc điểm này không nên dùng sấu làm bài thuốc/món ăn chữa bệnh
- Đang bị bệnh dạ dày tá tràng
Dù quả sấu là loại quả có nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng lại có vị chua, nhất là sấu xanh nên người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi hoặc các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Mọi người cần tránh ăn sấu khi đang đói vì sẽ gây ra cồn cào trong bụng và hại dạ dày.
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi
Phụ huynh không nên để trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng nhiều quả sấu bởi hệ tiêu hóa của bé còn nhạy cảm, dễ bị tác động bởi axit trong sấu.
- Tiểu đường, tim mạch, béo phì không nên uống nước sấu
Sấu ngâm vốn chứa nhiều đường, nếu uống nhiều sẽ gây tăng đường huyết dẫn đến nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch…
Ngoài quả sấu, bạn có thể áp dụng những quả sau để chữa ho:
Cách 1: Lê hầm kỷ tử, táo Tàu, đường phèn
Nguyên liệu
Lê: 2 quả
Đường phèn: 1,5 thìa súp
Kỷ tử: 1 thìa súp
Táo Tàu khô: 6 – 8 quả
Nước: 1,5 cốc
Thực hiện
Với cách chưng lê trị ho cùng kỷ tử, táo Tàu và đường phèn, cần thực hiện như sau:
Rửa lê dưới vòi nước sạch, sau đó gọt vỏ, cắt lê thành lát mỏng hoặc cắt quân cờ tùy thích
Táo Tàu và kỷ tử xả dưới vòi nước cho sạch bụi.
Cho lê đã thái, táo tàu, kỷ tử vào nồi, đổ nước và đường phèn vào nấu trên lửa lớn. Nếu đường phèn có kích thước lớn, nên dùng chày đập nhỏ đường ra.
Khi nước sôi, bạn hạ nhỏ lửa, canh chừng để nước không trào ra ngoài.
Tiếp tục nấu trong khoảng 15 – 20 phút.
Lê sau khi hầm, bạn đổ ra chén nhỏ cho nguội rồi dùng dần.
Cách 2: Lê chưng mật ong trị ho
Ngoài tác dụng chữa ho của quả lê, mật ong còn có tác dụng kháng khuẩn, làm dịu cổ họng giúp giảm viêm, giảm tình trạng mất tiếng và khàn tiếng.
Nguyên liệu
Lê: 1 quả
Mật ong: 3 thìa súp
Thực hiện
Quả lê rửa sạch, dùng dao sắc lưỡi mỏng gọt vỏ rồi cắt phần thịt thành khối vuông vừa phải.
Cho lê vào chén hoặc thố có nắp đậy thêm mật ong vào rồi đem hấp hoặc chưng cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút.
Khi chín, đem ra ngoài để nguội bớt rồi cho trẻ ăn cả lê và uống nước để giảm ho và đau cổ họng.
Với những trẻ chưa chưa biết nhai hoặc lười nhai, bạn có thể ép lê tươi lấy nước rồi hòa với 1 ít mật ong và cho trẻ uống trực tiếp.
Tác giả: Vũ Ngọc