Tính đến đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.195 USD/ounce, tiếp tục giảm tới 5 USD so với ngày hôm qua.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.203,5 USD/ounce.
Hiện giá vàng thấp hơn 8,3% (107,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 33,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,7 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới hôm nay tiếp đà giảm mạnh và đang ở đáy 18 tháng do đồng USD đang trên đỉnh của 13 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá vàng luôn bị chi phối bởi đồng USD, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng như hiện nay.
Vàng chưa thể hồi phục và hiện vẫn ở đáy 1,5 năm qua chủ yếu do đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có euro và Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỹ tác động lớn tới đợt lao dốc này. Trước đó, đồng lira (đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ) đã sụp đổ và chạm đáy 1 năm với USD sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế gấp đôi với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdogan đã đổ lỗi của việc rớt giá đồng lira cho phía Mỹ. Ông khẳng định một “âm mưu chính trị, nham hiểm” đã đẩy giá trị đồng nội tệ của nước này rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ chính sách hạn chế cho vay, nợ cao và căng thẳng thương mại gia tăng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 7 của nước này chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Đầu tư vào tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm của Trung Quốc chỉ tăng 5,5%, mức thấp kỷ lục kể trong gần 20 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại các khu đô thị tháng 7 tăng từ 4,8% hồi tháng 6 lên 5,1%.
Đồng bạc xanh tăng còn do cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ với đồng lira lao dốc đã ảnh hưởng tới đồng tiền của hàng loạt các nền kinh tế mới nổi, giống như cú giảm giá của đồng baht của Thái Lan năm 1997 kéo theo đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế châu Á.
Hàng loạt các đồng tiền như ruble của Nga, rand của Nam Phi, real của Brazil và đồng peso của Argentina đều giảm mạnh, 4-8% chỉ trong tuần vừa qua. Chỉ số MSCI tổng hợp khoảng 20 đồng tiền của các nước mới nổi đang ở mức tồi tệ nhất trong năm nay.
Trong khi đó, đồng USD được xem là một kênh trú ẩn an toàn, nó khiến đồng bạc xan” tăng cao hơn nữa trong khi các đồng tiền mới nổi tiếp tục đi xuống và vì vậy mà tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn.
Bên cạnh đó, khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tiếp tục là khá cao và đây là lực đẩy cho đồng USD.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục giảm lượng vàng nắm giữ bớt 0,2% xuống còn 784,60 tấn vào hôm 13/). Từ tháng 4 tới nay, quỹ này đã giảm lượng vàng nắm giữ bớt khoảng 10%.
Theo Báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong nửa đầu năm đã giảm ở mức thấp nhất trong 9 năm trở lại đây. Trong nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.959 tấn, giảm 6% so với nửa đầu năm ngoái.
Giá vàng trong nước, chốt phiên giao dịch hôm qua, đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng 9999 trong nước bớt 20-30 ngàn đồng so với phiên áp cuối tuần trước.
Tính tới cuối phiên giao dịch 14/8, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,61 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,71 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,56 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,76 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, thị trường vẫn khá ảm đạm, sự tương tác của giới đầu tư với thị trường vàng vẫn khá mờ nhạt. Sức bật của giá vàng được đánh giá khả quan nhưng vẫn chưa chạm tới kỳ vọng đầu tư. Ghi nhận trong phiên phần lớn khách tham gia giao dịch đan xen ở cả chiều mua và chiều bán với số lượng nhỏ lẻ theo nhu cầu cá nhân.
Tác giả: