Tới đầu giờ sáng 4/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1,254 USD/ounce, tăng gần 10 USD so với thời điểm này của ngày hôm qua.
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1252.60 - 1253.60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 đã tăng lên được 13.10 USD/ounce, đạt mức 1254.80 USD/ounce.
Hiện giá vàng thấp hơn 4,2% (54,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 34,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,3 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Trong tuần trước giá vàng giảm 1,36% và giảm gần 4% trong vòng 1 tháng qua. Những lo lắng về lãi suất tăng tại Mỹ đã là nhân tố chính chống lại kim loại quý trong vài tuần qua. Sự bán tháo trong ngành hàng thô cũng là nguyên nhân gây áp lực lên vàng. Trong khi đó, tranh chấp thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa thể cung cấp hỗ trợ đáng kể cho quý kim khi xét tới một tài sản trú ẩn an toàn.
Đồng USD hạ nhiệt sau khi lên đỉnh 1 năm là yếu tố quan trọng kéo giá vàng hồi phục trong phiên đêm qua và thoát đáy trong vòng hơn 6 tháng qua. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, áp lực bán vẫn còn lớn trước một đồng USD vẫn rập rình tăng vọt.
Đồng USD tạm thời hạ nhiệt do đồng euro tăng giá sau khi có thông tin cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi đồng ý với các nhà lập pháp Đức liên quan tới Luật Nhập cư.
Giá vàng tăng trở lại chủ yếu do sức cầu bắt đáy mặt hàng này tăng lên và cầu mua vàng để trả hàng cho các đợt bán khống trước đó trên thị trường sau khi vàng xuống mức thấp nhất trong 12 tháng qua.
Trước đó, vàng đã có chuỗi ngày giao dịch thảm hại khi liên tục sụt giảm trong 2 tuần. Việc giá vàng liên tục mất giá là do lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm các đồng nhân dân tệ, rupee Ấn Độ và yen Nhật Bản suy yếu so với USD. USD mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt hơn với những người sử dụng đồng tiền khác. USD còn nhận được sự hỗ trợ từ số liệu sản xuất tốt hơn kỳ vọng của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ mới đây công bố báo cáo cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed theo dõi sát sao nhất, trong tháng Năm đã chạm mức cao nhất của sáu năm. Cụ thể, chỉ số PCE đã trong tháng Năm đã đạt 2,3%, mức cao nhất kể từ tháng 3.2012. Chỉ số này cũng tăng 0,2% so với mức của tháng Tư.
Ngoài ra, đồng USD cũng nhận được sự hỗ trợ từ số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo ở Mỹ tốt hơn dự báo trước đó. Điều này đã gây sức ép và làm giá vàng giao ngay giảm hơn 8% từ mức cao 1.365,23 USD/ounce được ghi nhận hồi tháng Tư.
Tuy nhiên, từ mức đáy của năm 2018, giá vàng thế giới được dự báo sẽ có những phiên phục hồi từ đó kéo giá vàng trong nước hồi phục theo.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt 3/7 đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng 9999 trong nước khoảng 20-30 ngàn đồng so với phiên liền trước.
Tính tới cuối phiên giao dịch 3/7, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,80 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,67 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,88 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, giá vàng thế giới dịch chuyển theo xu hướng giảm dần trong khi giá vàng trong nước duy trì khá ổn định. Diễn biến trái chiều này khiến biên chênh giữa hai thị trường thế giới và trong nước dãn khá rộng hơn 2 triệu đồng/ lượng.
Thị trường trong ngày giao dịch khá trầm lắng đa phần ghi nhận là các giao dịch nhỏ lẻ từ người dân mua vào tích trữ. Ghi nhận đến cuối phiên, số lượng khách tham gia giao dịch theo chiều mua vàng chiếm 60% trên tổng số lượng khách tham gia giao dịch tại Doji.
Tác giả: