Khi tôi còn bé, bố phải đi làm ăn xa, cả năm mới về nhà được đôi ba lần, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay mẹ gánh vác, tôi cũng vì thế mà chểnh mảng học hành. Hết lớp 1, tôi vẫn chưa phân biệt được hết các chữ cái, chứ đừng nói gì đến biết đọc, biết viết như chúng bạn. Mẹ tôi buồn lắm nhưng lực bất tòng tâm, một phần vì hoàn cảnh quá bận rộn, phần nữa vì chẳng biết phải dạy dỗ tôi như thế nào.
Rồi mẹ quyết định tìm đến nhà cô giáo xin cô dạy phụ đạo cho tôi. Tôi còn nhớ khi ấy nhà mình nghèo lắm, đến tiền mua gói bánh cũng chẳng đủ nên mẹ đành mang biếu cô túi bột ngọt mà bố được cơ quan thưởng từ hồi tết cất để dành trong tủ. Cô giáo nhận lời dạy kèm cho tôi 3 tháng hè nhưng khăng khăng chỉ nhận túi bột ngọt làm học phí chứ nhất định không chịu nhận thêm tiền, chắc cô cũng biết gia cảnh nhà tôi khó khăn.
Vậy là, mỗi sáng mẹ chở tôi đến nhà cô rồi đi làm, đến chiều tối xong ca làm việc thì qua đưa tôi về, buổi trưa tôi ăn cơm cùng cô và chị Hương – con gái cô, hơn tôi 1 tuổi, bởi chồng cô đã qua đời khi chị Hương mới được một tuổi.
Có lần chơi công an bắt cướp, tôi đóng vai cướp, bẻ một búp măng tre, giả làm điếu thuốc hút phì phèo cho ra dáng giang hồ. Ai ngờ bị cô bắt gặp, cô lấy roi mây tét cho hai đứa một trận làm mông tôi đau ê ẩm, không thể ngồi xuống được, chỉ biết đứng khóc toáng lên. Tối ấy, tôi về nhà mách mẹ, mẹ chẳng những không bênh vực mà còn đánh cho tôi thêm trận nữa. Tôi ấm ức lắm, giận mẹ và cô mấy ngày liền.
Bây giờ nghĩ lại, nếu không có những trận đòn năm xưa thì không biết liệu tôi có nên người được như bây giờ chăng? Và, nếu như khi ấy, mẹ tôi vì bênh con, xót con mà đến trách cô thì không biết cuộc đời tôi sẽ đi đâu, về đâu? Tôi muôn phần biết ơn cô đã nghiêm khắc dạy dỗ tôi như con ruột, cũng cảm ơn mẹ đã tin tưởng tuyệt đối ở cô – một người thầy tuyệt vời đến vậy!
Lội ngược dòng lịch sử 4000 năm văn hiến của dân tộc ta, lại có tấm gương vô cùng mẫu mực, trong sạch và liêm khiết của thầy giáo Chu Văn An – được người đời tôn là “vạn thế sư biểu – thầy của muôn đời”.
Sinh thời, một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của thầy Chu Văn An chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm khắc, phải luôn là tấm gương đạo đức cho học trò. Những môn sinh do thầy Chu Văn An đào tạo, dù làm quan to hay vinh hiển đến mức độ nào cũng luôn dành cho thầy một sự tôn kính và lễ độ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại: Trong số môn đệ của Thầy có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Họ có điều gì chưa đúng phép, Thầy vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Có những học trò cũ không tốt, Thầy thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm của Thầy ngày càng vang xa.
Trong văn hoá truyền thống, người thầy có địa vị vô cùng cao quý. Người Việt xưa rất chú trọng lễ tiết, thái độ khiêm tốn, lời nói kính cẩn, thần sắc ôn hoà. Đặc biệt, những người làm Thầy lại càng coi trọng phong thái nho nhã, khiêm cung, làm gương cho học trò. Các bậc cha mẹ phụ mẫu cũng vì thế mà hết mực kính trọng, tin tưởng gửi gắm con cái cho thầy, mong con nên người: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Lại có câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Các bậc thánh hiền xưa kia cũng vì thường xuyên chịu những trận roi vọt từ thầy mà mới nên người.
Thế nhưng, xã hội bây giờ khác nhiều quá, trẻ con được hưởng những đặc ân, sự bao bọc và nuông chiều nhiều khi thái quá. Thầy cô không được “chỉ mặt” học trò vì đó là hành vi có tính mạt sát; đương nhiên càng không được đánh học trò, bởi tấm thân quý ấy được cả họ hàng bao bọc… Các thầy cô nào mà “nhiệt tình” dạy bảo thì đúng là “Người ta khổ vì thương không phải cách” (Xuân Diệu). Vậy nên, những đứa trẻ không được dạy bảo tử tế lại nghĩ rằng ai cũng phải sợ nó mà tha hồ nghịch ngợm. Các thầy cô vì ngại va chạm, sợ phụ huynh trách mắng mà dạy phiên phiến cho xong. Nghề giáo từ cao quý mà giờ đây trở thành tầm thường, việc học cũng từ chuyên tâm mà giờ thành hình thức. Mỗi ngày đến trường trở thành cực hình của những đứa trẻ và các thầy cô, chứ đâu còn là một ngày vui nữa…
Thực ra, chuyện gì cũng đều có hai mặt, cũng bởi ngày nay nghề giáo đã không còn cao quý như xưa được nữa, có những người đến trường mỗi ngày nhưng chẳng làm Thầy mà chỉ xem công việc dạy học như một nghề kiếm cơm. Thế nhưng, chúng ta không thể chỉ vì con sâu mà làm rầu nồi canh, cũng không thể chỉ vì những chuyện tiêu cực trong thời gian qua mà cướp đi sự tôn nghiêm của người Thầy, huống hồ còn hành hung, hạ thấp danh dự của thầy cô – những người đứng lớp dạy về nhân nghĩa, đạo đức.
Thiết nghĩ, chúng ta khiển trách, kỷ luật, thậm chí là buộc thôi việc những giáo viên ấy; lên án, xử phạt nghiêm khắc những phụ huynh, những học sinh đã làm sai kia thì liệu có thể khiến ngành giáo dục trong sáng hơn? Có khiến trường lớp trở nên an toàn hơn? – Không thể! Bởi, đó chỉ là những thay đổi bề mặt, vẫn chỉ là hình thức, cái Tâm kia mới là quan trọng, mới là điều then chốt. Vẫn biết làm sai thì cần phạt, nhưng liệu rằng sẽ được bao lâu?
Con người ta dễ bị cảm hóa bởi Thiện tâm hơn là chịu khuất phục bởi hình phạt, phê phán hay chỉ trích. Vậy nên, lúc này, nếu muốn “giải cứu” ngành giáo dục, thì chỉ có thể dùng tấm lòng bao dung, tha thứ và nhẫn nại. Ngược lại, nếu dùng nộ khí, uất hận, hơn thua với nhau thì sự việc chẳng bao giờ được giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý. Bởi, giáo dục vốn là nơi dạy làm người chứ không phải là chiến trường để phân định đúng sai.
Chuyện ai đúng nhiều hơn ai, ai sai nhiều hơn ai trong những câu chuyện giáo dục xấu xí trên liệu có ý nghĩa gì lớn? Chẳng ai dám tự vỗ ngực nói rằng “tôi luôn đúng”, “tôi chưa từng sai lầm”. Và, dù thầy cô là người có lỗi hay là nạn nhân thì đặt trong vị trí nào, những “vết ố” ấy cũng đã trở thành những vết thương lòng sâu sắc không biết bao giờ mới lành lại được cho cả thầy và trò, đã vẽ những vết bẩn khó xóa vào bức tranh giáo dục vốn thiêng liêng và đẹp đẽ.
Dù sao thì việc gì cũng phải cần có cái nhìn dưới lăng kính đạo đức- đó chính là những đúc kết của văn hóa truyền thống lâu đời. Điều gì sai lệch với những giá trị truyền thống đều sẽ mang lại đau thương, tổn thất. Lịch sử đã chứng minh điều đó và những câu chuyện chua xót thời hiện đại lại càng rõ nét hơn. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần trả lại sự cao quý cho Thầy như ông cha ta đã từng…
Tác giả: