Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết sẽ đề xuất về việc dành riêng một làn cho xe buýt từ Ngã tư sở - Cầu Trắng, Hà Đông để thu hút người dân tham gia bằng phương tiện công cộng xe buýt.
"Trước mắt, chúng tôi nghiên cứu đề xuất Sở GTVT về việc dành riêng một làn cho xe buýt từ Ngã Tư Sở - Cầu Trắng, (Hà Đông, Hà Nội). Sau khi tuyến đường sắt trên cao hoàn thành sẽ xây dựng các dọc trục và kết nối ngang giữa tuyến xe buýt với các nhà chờ", ông Phương cho biết.
Trao đổi thêm về hiệu quả của xe buýt BRT cho đến nay, ông Phương cho biết, lượng khách đi BRT đến thời điểm hiện nay đã tăng 6%.
Theo khảo sát trên hơn 2000 người đi xe buýt BRT, có đến 58% người dân đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện BRT. Hành khách thấy được sự tiện lợi của xe buýt BRT khi tốc độ nhanh hơn 20% và thời gian ít hơn 30% so với xe buýt thường.
Hiện tại, ở Hà Nội có 112 tuyến xe buýt với 18.000 xe, tuy nhiên, lượng phương tiện công cộng gồm xe buýt, taxi… mới chỉ giải quyết 15% nhu cầu của người dân Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HAPTA, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung, xe buýt nói riêng. Tuy nhiên, để xe buýt tăng khả năng lưu thông, nâng được tính đúng giờ, Hiệp hội kiến nghị thành phố tùy điều kiện cụ thể có thể sớm nghiên cứu bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt ở phía bên phải của những tuyến đường có chiều rộng trên 7m.
Trước mắt, Hiệp hội kiến nghị khôi phục ngay điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy ngay khi tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào khai thác giai đoạn I. Trong các chính sách ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng, việc làm đường dành riêng và bố trí quỹ đất cho các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển là ít tốt kém nhất. Nếu không có đường ưu tiên và điểm trung chuyển phù hợp, xe buýt sẽ khó có thể tăng tỷ lệ người dân sử dụng.
Đối với tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Hiệp hội kiến nghị thành phố duy trì việc kiểm tra, bảo đảm làn đường riêng ưu tiên cho xe buýt nhanh được tuân thủ tối đa. Những làn đã dành riêng nên có giải pháp cưỡng bức bằng dải phân cách nhằm hạn chế tình trạng các phương tiện khác lấn làn; tổ chức loại hình xe đạp thuê (xe đạp công cộng) để người dân có thể tiếp cận dễ dàng với xe buýt, trước mắt là với buýt nhanh BRT...
Theo ông Phương, ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đều có làn dành riêng cho xe buýt hoạt động.
Tác giả: