Trong một thôn làng nọ, có người thanh niên trẻ tuổi nhưng nổi tiếng chăm chỉ, chịu khó, mọi người cũng vì vậy mà thường tin anh nhất định sẽ có tiền đồ.
Thực tế, người trẻ tuổi này trong lòng luôn chất chứa không ít những nỗi uất hận, oán thán. Mỗi khi thấy các thanh niên có gia cảnh khá giả nhìn mình bằng ánh mặt dò xét, anh đều oán trách ông trời đã bất công vì không cho người chăm chỉ như mình một khởi đầu tốt hơn.
Trong suy nghĩ của người đàn ông trẻ tuổi ấy, dù mọi người luôn khen anh có tiền đồ, thế nhưng anh vẫn nghĩ rằng dù mình có cố gắng chăm chỉ cả đời thì vẫn chỉ là tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội, giống như vô số những hòn đá nhỏ vô danh trên đường mà ai cũng có thể tùy tiện đá đi.
Trải qua thời gian, những nỗi uất hận và sân si đó dần trở thành chấp niệm ăn sâu vào trí óc của người thanh niên trẻ tuổi. Anh luôn tự nhủ, chỉ cần có một cơ hội đổi đời, dù có phải trả giá đắt tới đâu và dùng thủ đoạn nào thì cũng nhất định phải nắm chắc lấy nó.
Đến một ngày nọ, có vị quan trong làng sai anh đi kéo xe đưa mình tới ngôi làng bên cạnh. Không ngờ trên đường đi, mây đen từ đâu bỗng nhiên kéo tới, mưa gió nổi lên ầm ầm.
Người trẻ tuổi vất vả đội mưa kéo xe, còn vị quan ngồi phía sau dần trở nên sốt ruột, ống quần xắn cao, áo cũng đã vén lên qua rốn, để lộ ra một đai đầy vàng thắt kín ở trong bụng.
Thấy số vàng ấy, người thanh niên trẻ không khỏi nảy ra một ý tưởng xấu xa. Anh thầm nghĩ chuyến đi hôm nay của mình vốn chẳng có ai biết, nếu vị quan này gặp nạn và mất mạng trên núi trong ngày mưa gió thì cũng chẳng người nào có bằng chứng để nghi ngờ mình cả.
Huống chi, chiếc đai đầy vàng mà vị quan kia giấu ở trong bụng cũng đủ để anh mua tới mấy mảnh đất tốt để trồng trọt, cấy cày. Có đất đai lại sẵn tính chăm chỉ, anh nhất định sẽ sẽ nhanh chóng phất lên, sống một cuộc sống khá giả, sung túc.
Những toan tính bất nhân ấy nhanh chóng nảy nở trong tâm trí chàng trai trẻ. Cùng với vô số oán hận và sân si đã tích lũy từ trước đó, người thanh niên ấy đã quyết định làm ra một việc khó ai có thể ngờ được.
Khi đi tới một con đèo, anh đã vờ như mình bị trượt chân, khiến cho cả chiếc xe nhanh chóng mất phương hướng và lao như bay xuống một khe vách không quá sâu ở gần đó.
Thấy ý định đã thành, anh thanh niên liền vội vàng trèo xuống dưới khe vách. Chiếc xe kéo ban nãy giờ đây đã thành một đống đổ nát, còn vị quan kia thì đang nằm trong vũng máu, hấp hối kêu cứu.
Sau một khoảnh khắc đắn đo ngắn ngủi, anh thanh niên đã lấy chiếc đai vàng dắt trong bụng của vị quan rồi bỏ lại người còn nằm thoi thóp ở đó và quay trở về thôn làng.
Trên đường trở về, anh tình cờ gặp một vị hòa thượng đang đi khất thực. Vị hòa thượng ấy hỏi anh có muốn bố thí chút của nải làm phúc hay không.
"Thí chủ không bố thí cũng không sao! Thế nhưng xin hãy nghe bần tăng nói một câu: Chớ coi nhẹ việc nhỏ mà làm ác. Bởi những việc ác ấy tích tụ lại sẽ tạo thành tội lớn".
Người thanh niên vừa nghe xong câu đó, lại nhìn đến đôi tay vẫn còn vương vệt máu ấm, liền tỏ ra hoảng loạn: "Không cần ông nhiều chuyện!".
Nói xong câu ấy, anh lập tức trở về thôn làng.
Nào ngờ khi về tới nơi, người bạn chí thân trước đó đã biết anh đi hộ tống quan sang làng bên, vừa nhìn thấy vẻ mặt lấm lét của bạn mình thì đã cười nói:
"Chắc cậu vớ được món hời nào rồi phải không? Phát tài nhớ mời anh em một bữa nhé!".
Chàng trai trẻ kia liền "có tật giật mình", không khỏi hoảng sợ mà thầm nghĩ: "Nếu bạn ta đã biết việc ta đi kéo xe cho quan mà đi bép xép với người khác thì ta quả thật xong đời".
Nghĩ đến chiếc đai vàng trong tay và tương lai no ấm đang chờ mình phía trước, người thanh niên rất nhanh đã vạch ra một kế hoạch bất nhân khác, bèn tỏ ra hào hứng và nói:
"Được chứ! Có gì đâu! Thế nhưng chuyện này tuyệt đối không được để người khác biết. Nếu anh làm được thì tối nay đến nhà tôi, tôi đã anh một bữa".
Tối hôm đó, người bạn chí thân ấy quả thực được chàng thanh niên trẻ chiêu đãi một bữa ra trò. Thế nhưng người ấy chẳng hề hay biết chén rượu mà bạn thân rót cho mình lại có chứa kịch độc.
Kể từ sau cái chết của người bạn thân, bí mật của chàng thanh niên đã chẳng còn một ai biết chân tướng. Thế nhưng liên tục mấy ngày sau đó, anh chẳng có lấy một giấc ngủ yên lành, bên tai lúc nào cũng vang vang lời cảnh báo của vị hòa thượng nọ:
"Chớ coi nhẹ việc nhỏ mà làm ác. Bởi những việc ác ấy khi tích tụ lại sẽ tạo thành tội lớn".
Tiếp đó mấy ngày, chẳng có ai tới tìm anh để hỏi về tung tích của vị quan xấu số, còn cái chết của người bạn thân dường như cũng không có lấy nửa điểm nghi ngờ.
Về phần chàng trai trẻ, dù có được số vàng lớn trong tay, thế nhưng vì sợ bị người khác nắm thóp nên chẳng dám tiêu lấy một đồng. Vào lúc đó, cuối cùng anh ta cũng đã hiểu rằng chiếc đai vàng ấy vốn không phải là thứ mà mình nên tham cầu.
Cứ như vậy, người trẻ tuổi này liên tiếp đi lễ bái khắp nơi nhưng vẫn chẳng có lấy một giấc ngủ an ổn.
Đêm đêm trằn trọc, ngày lại làm lụng vất vả, chàng trai đó không lâu sau đã qua đời trong lao lực và u sầu mà thậm chí còn chưa kịp "hưởng thụ" có được từ những việc làm bất lương của mình.
Nghiệp báo trên đời là có thật?
Trong nhà Phật xác định Nghiệp có tiềm năng đưa tới quả báo. Nghiệp báo hay Luật Nhân Quả do Đức Phật khám phá ra trong đêm cuối của tuần lễ thứ Tư khi Ngài chứng Tam Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh. Vào canh thứ nhất Ngài chứng ngộ trí tuệ Túc Mạng Minh, tự thấy vô lượng kiếp sống quá khứ của chính mình, do nguyên nhân của đời này mà Ngài tái sanh ở đời kế như thế nào.
Vào canh hai Ngài thấy được "nhân quả luân hồi" của chúng sanh. Chúng sanh chết nơi cảnh giới này tái sinh nơi cảnh giới khác. Người bị sanh vào cảnh khổ vì đã làm việc xấu trong quá khứ. Kẻ được sinh vào cảnh giới an vui như các cõi Trời vì họ đã làm những việc thiện lành trong quả khứ.
Những lời dạy của Đức Phật về Luật Nghiệp Báo hay Nhân Quả phát xuất từ nơi trí tuệ siêu vượt của Ngài, mà với người trần mắt thịt như chúng ta chắc chắn không thể nào hiểu xuyên thấu về Luật Nhân Quả.
Tuy nhiên qua lời dạy của Đức Phật về Luật Nhân Quả, chúng ta có thể phần nào giải thích tại sao cùng là con người mà kẻ thì sống trong nhung lụa hạnh phúc, người thì sống trong bần hàn khổ đau. Người sanh ra đẹp đẽ, kẻ lại chịu khuyết tật khi mới sinh ra. Nếu không có Luật Nhân Quả, Nghiệp báo thì lấy gì để giải thích những tình trạng khác biệt này.
Nghiệp là Nhân, báo là Quả. Nghiệp và Quả Báo tạo thành Luật Nhân Quả. Ngắn gọn là "Nghiệp Quả" hay "Nghiệp Báo". Nếu chúng ta tạo Nhân (Nghiệp) tốt thì sẽ trổ Quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo Nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận Quả xấu. Chuyện Nhân Quả cứ thế mà xoay dần thành một vòng tròn không bao giờ chấm dứt vì con người cứ tạo Nhân rồi trả Quả. Trong việc trả Quả lại tiếp tục tạo Nhân mới và Nhân Quả cứ như thế mà luân hồi.
Như vậy mỗi tác động (Nhân hay Nghiệp) dưới một điều kiện nhất định sẽ sinh ra một Quả Báo. Một khi Quả đó chín, nó sẽ "hồi đáp" trở lại người đã tạo ra nó. Thời gian để một Quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu cũng có khi rất mau. Nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện.
Ai gây Quả ác thì sẽ nhận Quả ác, ai tạo Quả lành sẽ nhận Quả lành một cách công bằng, không thiên vị. Tạo Nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong đời hiện tại hay trong đời tái sinh. Nhưng chúng ta cần nhớ là dù tạo Nghiệp tốt hay xấu đều phải chịu luân hồi sinh tử. Trong minh thứ ba là Lậu Tận Minh, Đức Phật đã xác nhận nguyên nhân của luân hồi sinh tử là Lậu hoặc.
Ở đây, Nghiệp chính là Lậu hoặc. Bên trong Lậu hoặc chứa sẵn mầm tham sân si. Chính tham sân si thúc đẩy người ta có hành vi tạo Nghiệp nên Lậu hoặc hay Nghiệp là nguyên tố của luân hồi sinh tử. Nó theo chúng ta nhiều đời từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mỗi ngày chúng ta gây không biết bao nhiêu là Nghiệp. Mỗi Nghiệp gây ra do tác động của Thân, Ý hay Ngôn ngữ tức lời nói.
Tác giả: