Đội quân bí mật chỉ nghe lệnh Hoàng đế Minh triều
Sau khi lên ngôi (1368), nỗi lo canh cánh trong lòng khiến Chu Nguyên Chương ăn không ngon ngủ không yên chính lại là bọn khai quốc công thần. Chương thất học, bản tính đa nghi đố kỵ, lại tự ti về xuất thân hèn kém của mình, nên bị ám ảnh bởi mối lo rằng con cháu dòng dõi mình rồi đây sẽ bị tuyệt diệt bởi chính những đại thần thân cận.
Chính vì vậy, Chương bèn cho lập “Củng vệ ty”, đây là vệ đội ngự lâm quân chuyên việc hầu cận bảo vệ hoàng đế.
Đến năm 1369, Chương sáp nhập ty này với “Nghi loan ty” (chuyên lo về nghi vệ) thành “Thân quân Đô úy phủ”, cơ quan này chưởng quản nghi trượng kiêm thị vệ cho hoàng đế. Đến 1382, Thân quân Đô úy phủ chính thức đổi tên thành Cẩm Y vệ.
Cẩm Y vệ tập hợp toàn những tay dũng sĩ, hình vóc lực lưỡng, võ nghệ cao cường. Cơ quan này cai quản mọi việc hình ngục, toàn quyền trinh thám, dò xét, thẩm vấn, và định tội bất kỳ ai, kể cả hoàng thân quốc thích, văn võ trọng thần, cho chí bá tánh mà không cần phải thông qua Hình bộ.
“Cẩm y vệ Chỉ huy sứ” có cấp Đô đốc trở lên, là nhân vật thân tín và chỉ có bổn phận phải giải trình với riêng hoàng đế.
Cẩm Y Vệ quyền lực rất lớn, Minh triều tuy có sự phân chia thẩm quyền giữa cơ quan này với chính quyền địa phương, Cẩm Y vệ chủ yếu chỉ điều tra tội phản nghịch, án mạng liên quan đến triều đình, huân quý, quan lại…
Nhưng khi cần thì chỉ một viên Chỉ huy Đồng tri tòng tam phẩm của Cẩm Y vệ bảo chứng là đã đủ hiệu lực để một vụ án thuộc thẩm quyền địa phương phải chuyển giao cho Cẩm Y vệ thụ lý.
Là tai mắt của hoàng đế, mỗi viên Cẩm Y vệ đều phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, chẳng những họ phải tinh thông võ nghệ mà còn phải có tư chất lạnh lùng phi nhân.
Cuối cùng, cơ quan khủng bố này được duy trì mãi cho đến khi Minh bị diệt (1644), tổng cộng Cẩm Y vệ tồn tại và hoành hành ngót 250 năm.
Dòng dõi nhà Minh nối nhau thống trị chỉ cậy vào bạo quyền để chế ngự bá tánh, lập ra những cơ quan đặc vụ mong kiểm soát trị an phòng ngừa nội loạn.
Tác giả: