Chiều 9/7, Hội đồng tiền lương Quốc gia nhóm họp phiên thứ nhất để bàn về tăng lương tối thiểu vùng 2019. Cuộc họp do ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH- chủ trì, với sự góp mặt của Phòng Thương mại và công Nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện doanh nghiệp), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đại diện người lao động).
Phát biểu khai mạc phiên họp đầu tiên, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW, theo đó từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu.
Nghị quyết 27 cũng nhấn mạnh tiền lương tối thiểu nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu.
“Theo Nghị quyết 27, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động,” ông Diệp nói.
Trong sáng 9/7, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), cho biết đại diện phía người lao động dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 7,5 - 8% so với mức lương năm 2018 (tương đương 190.000 - 300.000 đồng/tháng).
Theo ông Quảng, đề xuất này đưa ra dựa trên khảo sát về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018. Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% tổng thu nhập của người lao động; đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiện được nhiều tích luỹ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết trước khi tham gia phiên họp trên, đơn vị đã có buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến, quan điểm để trình bày trong cuộc họp này. “Đại đa số các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay. Chúng tôi sẽ trao đổi với các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia để có ý kiến cuối cùng”, ông Phòng thông tin.
Theo ông Phòng, nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bồi dưỡng sức để nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.
PGS - TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, chia sẻ: “Ban đầu Viện Công nhân - Công đoàn đề xuất tăng 10%. Tuy nhiên, xét trên tình hình chung, thì mức tăng đưa ra khoảng 8% là hợp lý. Mức tăng này đủ số phần trăm đang thiếu hụt của tiền lương so với mức sống tối thiểu, bù trượt giá, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua, nên mức tăng lương tối thiểu của năm tới không thể thấp hơn năm 2018”.
Dự kiến cuộc họp sẽ tiến hành trong 3 phiên, nhưng nếu tìm được sự đồng thuận thì chỉ cần 1 đến 2 phiên họp. Nhưng trong thực tế, các cuộc họp này phải ít nhất kéo dài 2 phiên.
Năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã "chốt" mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% (từ 180.000 - 230.000 đồng). Theo đó, vùng 1 lương tối thiểu tăng 230.000 đồng, từ 3,75 triệu đồng lên 3,98 triệu đồng; vùng 2 tăng 210.000 đồng, từ 3,32 triệu đồng lên 3,53 triệu đồng; vùng 3 tăng 190.000 đồng, từ 2,9 triệu đồng lên 3,09 triệu đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,58 triệu đồng lên 2,76 triệu đồng.
Tác giả: