Huyền bí Tây Tạng: Vì sao người dân không đánh bắt cá để ăn?

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù mảnh đất này có một hu hồ với trữ lượng cá cực lớn nhưng người dân bản địa lại không đánh bắt cá để ăn.

Tây Tạng từ lâu đã được mệnh danh là mảnh đất cuối cùng còn giữ được sự thuần khiết trên Trái đất. Nằm ở độ cao trung bình hơn 4.200 mét so với mực nước biển, Tây Tạng không chỉ nổi bật bởi thiên nhiên hùng vĩ mà còn là cái nôi của văn hóa Phật giáo sâu sắc và những tập tục tâm linh độc đáo như thủy táng.

Tây Tạng hoang sơ và linh thiêng

Tây Tạng sở hữu địa hình đa dạng, trải dài từ những ngọn núi tuyết sừng sững đến những thung lũng yên bình, từ sa mạc mênh mông đến các dòng sông băng kỳ vĩ. Đặc biệt, nơi đây còn nổi bật bởi hệ thống sông hồ dày đặc, làm say lòng bất kỳ ai đặt chân đến.

Một trong những thắng cảnh nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất tại Tây Tạng chính là hồ Yamdrok – hay còn được gọi là Dương Hồ. Với độ cao hơn 4.440 mét so với mực nước biển và diện tích khoảng 675 km², Yamdrok không phải là hồ lớn nhất, nhưng lại được người dân bản địa coi như báu vật thiêng liêng.

Hồ Dương có trữ lượng cá rất lớn nhưng người Tây Tạng không bắt cá

Tên gọi "Yamdrok" trong tiếng Tây Tạng mang ý nghĩa là “Hồ thiên nga” – một hình ảnh thanh khiết và huyền ảo. Theo quan niệm của người dân nơi đây, Yamdrok không chỉ là hồ nước mà còn là hóa thân của các tiên nữ giáng trần, mang đến nguồn sống, sự bình an cho mảnh đất Tây Tạng khắc nghiệt.

Đặc biệt, hồ Yamdrok có trữ lượng cá tự nhiên vô cùng lớn. Ước tính, tổng trọng lượng đàn cá sinh sống trong hồ có thể lên đến hơn 800.000 tấn. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là dù cá nhiều đến vậy, người Tây Tạng tuyệt nhiên không đánh bắt để làm thực phẩm.

Vì sao người Tây Tạng không ăn cá dù hồ Yamdrok rất nhiều?

Tuy không có quy định pháp lý nào cấm đánh bắt cá, nhưng người Tây Tạng vẫn kiên quyết không ăn cá, không khai thác nguồn lợi từ hồ Yamdrok. Lý do sâu xa được một số người cho rằng bắt nguồn từ tín ngưỡng tâm linh và niềm tin tôn giáo lâu đời.

  • Cá là vật thiêng: Đối với người Tây Tạng, cá trong hồ là những linh vật thiêng liêng, được xem như hiện thân của thủy thần. Ăn cá đồng nghĩa với việc sát sinh nhiều sinh mệnh hơn so với việc giết một con bò để nuôi sống nhiều người. Họ tin rằng việc giết ít sinh mạng sẽ giảm nghiệp sát sinh, phù hợp hơn với tinh thần từ bi trong Phật giáo.
  • Tập tục thủy táng và mối liên kết với linh hồn: Một yếu tố khác cũng góp phần hình thành nên niềm tin này là tập tục thủy táng – một hình thức tang lễ phổ biến ở Tây Tạng. Người dân tin rằng nước là khởi nguồn của sự sống, và khi qua đời, được trở về với thiên nhiên trong dòng nước trong xanh là cách ra đi thanh thản, bình yên nhất.

Thủy táng không diễn ra ở mọi hồ nước, và hồ Yamdrok không phải là nơi thường xuyên thực hiện nghi thức này. Tuy nhiên, người dân quan niệm rằng cá có thể là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên đã ăn sâu vào đời sống tinh thần người dân. Vì thế, việc giết cá không chỉ là sát sinh mà còn là hành động xúc phạm đến tổ tiên, thần linh.

Vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của Tây Tạng
  • Góc nhìn khoa học: Cá ở hồ có nhiều nhưng không nên ăn bởi những yếu tố tự nhiên khác thường của hồ Yamdrok có thể không phù hợp để ăn. Với nhiệt độ nước thấp quanh năm, nồng độ oxy hòa tan thấp và điều kiện sống khắc nghiệt, cá ở đây có chu kỳ sinh trưởng rất chậm. Nguồn thức ăn trong hồ cũng nghèo nàn, khiến cá có xu hướng hấp thụ mọi hợp chất có trong môi trường – kể cả độc tố.

Điều này phần nào lý giải vì sao dù có trữ lượng cá lớn, nhưng hồ Yamdrok chưa bao giờ trở thành nguồn thực phẩm phổ biến tại Tây Tạng.

Yamdrok – Viên ngọc xanh giữa vùng đất huyền thoại

Nằm cách thủ phủ Lhasa khoảng 100km, hồ Yamdrok không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và tiềm năng thủy điện của khu vực. Với cảnh quan hoang sơ, mặt hồ xanh ngắt như ngọc và sự tĩnh lặng thiêng liêng, Yamdrok trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.

Tây Tạng không chỉ đẹp bởi thiên nhiên hùng vĩ, mà còn hấp dẫn bởi chiều sâu văn hóa và tín ngưỡng lâu đời. Chính những điều huyền bí, những điều “kiêng kỵ” tưởng chừng đơn giản lại góp phần làm nên bản sắc tinh thần độc đáo của vùng đất linh thiêng này.

Tác giả: Như Bình