Quả lựu chín có giá trị dinh dưỡng cao, tác dụng chống vi khuẩn, chống oxy hóa và tác dụng tẩy giun hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế từng xảy ra trường hợp trẻ em nguy kịch vì tắc ruột do ăn nhiều hạt lựu.
Theo báo VTC News, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn hạt lựu để tránh bị hóc, bị tắc ruột. Cha mẹ nên ép lấy nước lựu cho trẻ uống sẽ tốt hơn.
Người lớn khi ăn lựu có thể ăn cả hạt nhưng cần nhai kỹ trước khi nuốt.
Nước ép từ lựu chứa nhiều axit amin và nguyên tố vi lượng, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, chống viêm loét, làm mềm các mạch máu, ổn định huyết áp và lượng đường trong máu, giảm cholesterol và nhiều tính năng khác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoải mái ăn loại trái cây này.
Những người cần hạn chế ăn lựu gồm người bị bệnh viêm dạ dày, người bị sâu răng hay gặp các vấn đề về răng miệng, người đang bị cúm, trẻ em cũng hạn chế ăn lựu vì nếu ăn nhiều sẽ gây nóng trong người, người bị tiểu đường.
Trong Đông y, vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có thể tận dụng quả lựu để làm thuốc trị bệnh.
Các bộ phận của cây lựu đều có thể dùng làm thuốc được, dùng tươi thì tốt hơn, nếu khô thì trước khi dùng phải ngâm nước vài ba giờ để lấy lại nguyên chất.
Theo Thanh Niên, lựu không chỉ ngon, ngọt mà còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. Cụ thể:
Các loại trái cây đều giàu chất chống oxy hóa và lựu cũng vậy: Bà Roxana Ehsani, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, cho biết: "237 ml nước ép lựu chứa khoảng 700 mg chất chống oxy hóa polyphenol". Nước ép lựu còn chứa chất chống oxy hóa cao hơn rượu vang đỏ, nước ép nho hoặc trà xanh.
Theo bà Lexi Moriarty, cũng là một chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, ngoài khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư và bệnh tim, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như lựu cũng tăng cường sức khỏe da, não và mắt.
Cung cấp chất xơ và polyphenol: Lựu cũng chứa nhiều chất xơ. Theo Academy of Nutrition and Dietetics, 240 gram lựu chứa khoảng 7 gram chất xơ. Vì vậy, lựu đáp ứng tốt nhu cầu chất xơ hằng ngày của người trưởng thành.
Bà Ehsani cho biết chất xơ là một trong các chất dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, bà Kim Kulp, chuyên gia dinh dưỡng tại bang California (Mỹ), còn tiết lộ polyphenol trong lựu có thể hoạt động như prebiotic, giúp nuôi dưỡng các lợi khuẩn trong cơ thể. Các vi khuẩn có lợi trong ruột sẽ hấp thụ polyphenol trong quả lựu, giúp cải thiện niêm mạc ruột và giảm các tình trạng viêm nhiễm có thể gây bệnh.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Lựu làm tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt), giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và giảm huyết áp. Uống nước ép lựu cũng có thể cải thiện lưu lượng máu và giảm đau thắt ngực, bà Kulp nói.
Ngoài ra, lựu giúp cải thiện sức khỏe động mạch bằng cách ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám. Ăn lựu cũng có thể hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch.
Bà Cindy Chou, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, cho biết lựu còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chống viêm.
Tăng cường hiệu suất tập luyện: Cả hai chuyên gia dinh dưỡng là bà Ehsani và bà Moriarty đều đồng tình rằng lựu có khả năng giúp cơ thể tăng cường hiệu suất tập luyện.
Nước ép lựu có thể hỗ trợ cơ thể trong các hoạt động thể thao và trong quá trình phục hồi sau khi tập thể dục.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Bà Kulp cho biết những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường phải đến bác sĩ kiểm tra để biết những thực phẩm cần tránh. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, những người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn lựu. Trên thực tế, lựu có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Các nghiên cứu ở cả động vật và con người đã chỉ ra rằng lựu có thể cải thiện lượng đường trong máu lúc đói ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Theo National Center for Complementary and Integrative Health, việc ăn hạt lựu và uống nước ép lựu là an toàn. Tuy nhiên, những người nhạy cảm với fructans hoặc đang sử dụng thuốc cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ quá nhiều lựu.
Tác giả: M