Trong văn hóa truyền thống, cha mẹ già ở cùng con cái, đặc biệt thường ở cùng vợ chồng con trai trưởng. Ngày nay cũng còn nhiều gia đình khi cha mẹ già thì đón cha mẹ về ở cùng để thuận tiện chăm sóc nâng đỡ.
Việc các thế hệ khác nhau sống cùng một mái nhà không thể tránh khỏi những khác biệt trong sinh hoạt, suy nghĩ. Tuy nhiên ở góc độ cha mẹ nếu giữ được quy tắc 3 không dưới đây thì bản thân cha mẹ bớt muộn phiền, con cái thêm tôn trọng, gia đình sẽ giữ được hòa khí.
1. Không can thiệp sâu vào việc dạy dỗ cháu
Một vấn đề thường gây mâu thuẫn giữa cha mẹ già và con cái là cách nuôi dạy cháu. Ông bà thường thương cháu quá mức, dẫn đến nuông chiều hoặc mâu thuẫn với cách dạy nghiêm khắc của bố mẹ cháu.
Đôi khi cha mẹ thường có tâm lý người lớn tuổi có kinh nghiệm nên có thể áp đặt con trong việc nuôi cháu. Đôi khi cha mẹ không nghe theo lời nhắc của con mà cư xử với cháu theo kinh nghiệm cũ của bản thân mình.
Điều đó có thể gây ra mâu thuẫn lớn trong gia đình, ảnh hưởng tới tương lai của cháu. Đặc biệt khi con dâu là người độc lập và du nhập văn hóa hiện đại và mong muốn thực hiện những nguyên tắc với cháu thì mâu thuẫn có thể diễn ra càng lớn. Cha mẹ nhân danh thương cháu, còn các con muốn định hình cho cháu một tư duy và cách sống tốt cho mai sau.
Mâu thuẫn này đôi khi sẽ gây ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hơn cả việc cha mẹ chồng và con dâu không "ưa nhau". Để tránh điều này, cha mẹ già nên hiểu bản thân mình chỉ đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích con cái làm chủ việc giáo dục con, giúp đỡ chăm cháu khi con bận rộn.
Trẻ con cần được lớn lên trong môi trường ổn định, nhất quán. Ông bà và cha mẹ mâu thuẫn, hành xử ngược chiều nhau sẽ ảnh hưởng lớn tới nhận thức của cháu. Hơn nữa, mỗi thời mỗi khác, cha mẹ cần hiểu thời mình đã cũ rồi. Thế nên cha mẹ khôn ngoan là không dùng kinh nghiệm cũ mà tôn trọng con cái.
2. Không so sánh con cái và than phiền
Một sai lầm phổ biến của nhiều bậc cha mẹ già là thường xuyên so sánh con mình với "con nhà người ta", hoặc so sánh người con đang sống cùng với người con khác. Hoặc có những cha mẹ nhắc lại chuyện cũ, so sánh những gì mình đã làm cho con và những gì đang có trong hiện tại rồi than phiền.
Những điều trên không giúp cải thiện quan hệ cha mẹ và con cũng không giúp con tốt hơn mà chỉ gây ra cảm giác bực dọc, mệt mỏi cho con cái. Con cái có thể sẽ thấy sợ đối diện với cha mẹ, xem việc ở cùng chỉ là bắt buộc.
Bởi thế cha mẹ hãy ghi nhớ rằng con mình hôm nay ra sao một phần lớn do mình đã nuôi dạy chúng. Thế nên tuyệt đối không so sánh con mình với con nhà khác, không mang các con so sánh với nhau. Thay vì để tâm vào những điều chưa vừa ý, cha mẹ nên học cách hài lòng với hiện tại, trân trọng những gì con cái đang cố gắng. Một lời khen, một cái nhìn tích cực sẽ giúp mối quan hệ gia đình trở nên gần gũi, ấm áp hơn.
3. Không can thiệp sâu vào quan hệ vợ chồng của con
Nhiều bậc cha mẹ, do thói quen từ thời con cái còn nhỏ, thường can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của con, từ cách chi tiêu mua sắm thậm chí cả chuyện vợ chồng. Tuy nhiên, khi con cái đã trưởng thành và có tổ ấm riêng, cha mẹ nên hiểu rằng sự tôn trọng là nền tảng quan trọng để duy trì mối quan hệ hài hòa.
Hãy để con cái được làm chủ cuộc sống của mình, chỉ nên góp ý khi được hỏi đến. Việc tôn trọng ranh giới riêng tư giúp con cái không cảm thấy bị áp lực hay bó buộc, từ đó dễ dàng yêu thương và chăm sóc cha mẹ hơn.
Đặc biệt khi cha mẹ ở cùng con trai thường hay cảm thấy con trai mình vất vả, con dâu không đảm đang, con trai phải lo nhiều thứ nên can thiệp. Nhưng cha mẹ cần tế nhị bởi đó là sự sắp xếp của vợ chồng con. Cha mẹ tuyệt nhiên không nên cảm thấy bất công cho con trai nếu con cảm thấy điều đó là bình thường.
Tâm lý cha mẹ thường là mình sinh con ra, nuôi con từ bé chăm con từng chút mà đến giờ con lại bị vợ đối xử bất công. Nhưng càng thế hệ sau thì quan niệm bình đẳng càng mạnh mẽ. Sự can thiệp của cha mẹ chỉ khiến cho mối quan hệ vợ chồng của con căng thẳng và mối quan hệ giữa các con với cha mẹ thêm mệt mỏi.
Nguyên tắc 3 không này không phải là cha mẹ nhắm mắt làm ngơ mặc kệ với con cháu mà là hãy bình tĩnh và lắng nghe các con, đừng vội vàng cho mình quyền người lớn trong nhà để can thiệp.
Tác giả: Như Bình
-
'Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình': Nửa câu sau vừa thấm thía vừa đau lòng
-
"Con cái hỗn hào, hãy áp dụng ngay 'Luật Quạ' – Bí quyết dạy con hiện đại nhưng vẫn giữ trọn quyền uy"
-
5 điều đàn ông không bao giờ làm trước mặt bạn bè nếu anh ấy yêu bạn thật lòng
-
3 người này nếu gặp được sẽ giúp bạn xóa nghèo thành giàu, giàu thì giàu hơn. Đó là ai, quanh bạn có không?
-
Phụ nữ có 'nhu cầu mạnh mẽ' nhất vào thời điểm nào? Đàn ông cần chú ý 2 khoảng thời gian này