Không mua được vé tàu, xe: Hàng nghìn người vượt gần 1.000km trên xe máy về quê ăn Tết

( PHUNUTODAY ) - Có rất nhiều người dân miền Trung sinh sống và làm việc ở TP.HCM vượt gần 1.000km bằng xe máy để về nhà đón Tết cùng gia đình.

Những ngày cận Tết, hàng triệu lượt người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM lên đường về quê đón Tết cùng gia đình.

Hàng nghìn người vượt gần 1.000km trên xe máy về quê ăn Tết

Ngoài những phương tiện như máy bay, tàu, xe khách..., hàng nghìn người lại chọn xe máy để về quê.

Anh N. T. N (trú tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: "Chúng tôi là những người lao động ở TP.HCM. Trong những ngày cận Tết, bạn bè tổ chức đi xe máy để về quê cùng gia đình đón xuân.

Chúng tôi xuất phát từ 4h, chạy theo đường Hồ Chí Minh. Đây giống như một chuyến đi phượt. Tuy nhiên, việc đi xe gắn máy trong đêm cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là tai nạn giao thông", anh N. nói.

Theo ghi nhận của phóng viên VTC, trong ngày 11/2, tại đoạn đường Hồ Chí Minh (thuộc thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), hàng nghìn xe máy mang biển số nhiều tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ nối đuôi nhau trên đường.

Từng đoàn xe máy kéo dài, mỗi xe chở 1-2 người, chất đầy hành lý, quà Tết, hướng về phía Bắc.

Được biết, người dân miền Trung làm ăn ở xa đi xe máy về quê ăn Tết đa phần là công nhân, người lao động. Mặc dù, biết di chuyển đường dài bằng xe máy khá nguy hiểm nhưng họ đành phải chấp nhận vì không thể mua được vé tàu, vé xe. Có người lại chọn việc đi xe máy để tiết kiệm chi phí và cũng là dịp để trải nghiệm những vùng đất mới.

Một số hình ảnh phóng viên VTC News ghi nhận trên đường Hồ Chí Minh trong ngày 11/2 (26 Tết):

Hai vợ chồng cùng con nhỏ trên chiếc xe máy về quê đón Tết.
Rất nhiều người ở các tỉnh miền Trung chọn xe máy là phương tiện về quê trong dịp nghỉ Tết.
Một số bạn trẻ ở Thừa Thiên Huế xuất phát từ TP.HCM lúc 4h và ngồi lại nghỉ ngơi tại Đắk Lắk để lấy sức tiếp tục hành trình.

Những lưu ý để chạy xe máy an toàn về quê ăn Tết

Nhiều người dân ở các tỉnh lân cận Hà Nội hay TP.HCM thường chọn cách về quê ăn Tết bằng xe gắn máy vì quãng đường di chuyển không quá dài. Tuy nhiên, việc số lượng phương tiện "về quê ăn Tết" tăng lên trong những ngày gần đây khiến giao thông ùn tắc và phức tạp hơn.

Kiểm tra kỹ phương tiện

Trong mọi hành trình bằng xe máy, người lái xe cần có sự chuẩn bị chu đáo về phương tiện, thời gian và hành lý. Việc lên kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn có một chuyến đi suôn sẻ và an toàn.

Trước khi bắt đầu chuyến đi bằng xe máy, bạn cần kiểm ra các chi tiết cơ bản của phương tiện như lốp xe, sên-nhông-dĩa, phanh trước sau, chén cổ... Nếu các chi tiết này đã mòn hoặc hư hỏng thì cần phải thay mới.

Để có tầm nhìn tốt, gương chiếu hậu cần được gắn đầy đủ. Đèn pha và xi-nhan phải đảm bảo hoạt động để di chuyển trong đêm.

Hành lý gọn gàng

Đối với những người sinh sống, làm việc và học tập xa quê, quà cáp là thứ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, nếu di chuyển bằng xe máy, người điều khiển phương tiện cần sắp xếp hành lý gọn gàng. Không nên cố mang quá nhiều hành lý.

Bạn có thể gửi những hành lý to lớn, nặng nề bằng xe khách hoặc xe chuyển hàng. Chỉ nên mang balo, hành lý gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển khi lái xe, tránh tình trạng quá tải, vướng víu dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Trang bị đồ bảo hộ an toàn

Không chỉ chuẩn bị cho phương tiện, người lái cũng cần đảm bảo an toàn cho bản thân. Nên mặc áo khoác, quần dài, đeo găng tay và mang giày để giữ ấm cơ thể trong điều kiện thời tiết trở lạnh.

Hạn chế sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu (mũ 1/2), tốt nhất nên sử dụng loại mũ nguyên đầu (full-face) hoặc 3/4. Nếu có thể, bạn nên mặc thêm giáp bảo hộ, giày cổ cao và găng tay có lớp bảo vệ, tránh những chấn thương nghiêm trọng khi gặp tai nạn.

Xuất phát hợp lý

Bạn nên lựa chọn khoảng thời gian hợp lý tùy theo độ dài quãng đường. Không nên khởi hành quá muộn và gấp gáp về thời gian. Đây là yếu tố quan trọng để có được chuyến đi an toàn.

Thời điểm xuất phát lý tưởng là 5-7h sáng. Ngoài ra, bạn cần theo dõi dự báo thời tiết để có được chuyến đi thuận lợi.

Có thời gian nghỉ ngơi

Nên nghỉ ngơi sau khoảng 60-100 km di chuyển. Bạn có thể ghé các trạm dừng chân, quán cafe hoặc quán ăn để tạm dừng trong khoảng 15-20 phút. Điều này vừa giúp bạn đảm bảo thể trạng tốt nhất, vừa giúp xe bớt nóng máy. Nếu buồn ngủ trong lúc lái xe, bạn nên tìm nơi nghỉ ngơi ngay lập tức. Không được cố gắng chạy tiếp, sẽ dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong trường hợp bạn e ngại những hàng quán dọc bên đường quốc lộ "chặt chém" giá cả. Tốt nhất nên chọn những địa điểm tại khu dân cư, chợ hoặc khu phố để ăn uống.

Chạy xe đúng luật, đúng tốc độ

Dịp Tết Nguyên Đán là quãng thời gian mà số lượng xe lưu thông từ các thành phố lớn về các tỉnh thành lân cận rất đông. Điều này gây không ít khó khăn cho những người về quê đón Tết. Tình trạng kẹt xe trên quốc lộ, tai nạn giao thông cũng tăng mạnh những ngày này.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 (26/1-1/2/2017), toàn quốc xảy ra 368 vụ TNGT (52,6 vụ/ngày) làm chết 203 người (29 người/ngày), làm bị thương 417 người (63,8 người/ngày).

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông tăng cao là do hành vi vi phạm quy định pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ.

Chính vì vậy, để đảm bảo hành trình về quê bằng xe máy được an toàn, người lái cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Không lấn làn, chạy xe quá tốc độ hoặc trong tình trạng say xỉn.

Những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn có chuyến về quê đón năm mới an toàn, có một mùa Tết Nguyên Đán ấm áp, hạnh phúc bên gia đình. Đồng thời mang đến một mùa xuân ấm áp và bình an trên mọi nẻo đường đất nước.

Tin nên đọc