Kinh nghiệm cần nhớ kỹ để lĩnh đủ 100% trợ cấp thất nghiệp và tiền BHXH

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người khi nghỉ việc do không nắm rõ luật nên đã mất tiền oan, không lĩnh đủ những khoản đúng ra nên được nhận. Bài viết sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có ý định nghỉ việc mà đáp ứng đủ điều kiện để nhận các loại tiền trợ cấp.

Hiện nay, có rất nhiều người mập mờ không nắm rõ luật trong vấn đề giải quyết các loại bảo hiểm. Mới đây, một tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ bài viết về kinh nghiệm giúp người lao động nhận đủ tiền BHXH và BHTN. Dưới đây là tổng hợp bài viết của tài khoản trên:

2 loại giấy tờ quan trọng nhất định phải giữ kỹ

Hai thứ quan trọng đó là sổ bảo hiểm và giấy quyết định nghỉ việc có chữ kí của lãnh đạo công ty.

Ngay khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định (tức đã nghỉ việc), chậm nhất là sau 1 tháng kể từ ngày thôi việc, bạn phải đòi bằng được hai thứ quan trọng đó là sổ bảo hiểm và giấy quyết định nghỉ việc có chữ kí của lãnh đạo công ty. Nếu không có hai loại giấy tờ này, bạn khó lòng giành lấy quyền lợi của mình.

Tiếp tục duy trì đóng bảo hiểm kể cả khi đã nghỉ việc

Nhiều người thường dừng đóng bảo hiểm khi đã nghỉ việc. Đây thực sự là sai lầm lớn. Tuyệt đối không dừng đóng bảo hiểm, dù đã nghỉ việc, hãy cố gắng tự đóng. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn rất nhiều. Nó liên quan đến các khoản mà bạn sẽ được lãnh tiếp theo.

Quyết định nghỉ việc có chữ ký của công ty...

...và sổ BHXH là 2 giấy tờ quan trọng cần giữ để lĩnh các loại tiền trợ cấp và BH

Nhận tiền Bảo hiểm thất nghiệp đầu tiên

Lưu ý, nếu đã đi làm đủ trên 12 tháng, bạn phải nhớ đăng kí nhận tiền BHTN trong vòng 3 tháng (tính từ ngày nghỉ việc trên giấy tờ). Sau 3 tháng không nhận hoặc không tiếp tục đóng bảo hiểm, bạn sẽ bị mất quyền lợi.

VD: 25/05/2018 nghỉ, để quá ngày 25/08/2018 không lãnh hoặc không đóng bảo hiểm tiếp tục sẽ không được nhận tiền. Theo quy định của pháp luật, tiền bảo hiểm thất nghiệp sẽ lĩnh được tầm 60-65% lương cơ bản. (lương cơ bản là mức lương trong bản hợp đồng và để tính bảo hiểm hằng tháng). Mức lĩnh phụ thuộc vào năm đóng BHXH: 1 – 3 năm nhận được 3 tháng, 4 năm nhận được 4 tháng, 5 năm nhận được 5 tháng,… 9 năm nhận được 9 tháng. Thời gian còn dư sẽ được lưu lại.

Giấy tờ cần chuẩn bị: CMND gốc, 2 CMND photo công chứng, 1 ảnh 3×4, sổ bảo hiểm gốc, sổ bảo hiểm photo, tờ quyết định nghỉ việc, tờ quyết định nghỉ việc photo. Sau đó tra cứu địa điểm lĩnh bảo hiểm thất nghiệp quận/huyện mình đang ở và tới làm theo hướng dẫn.

Nhận tiền BHXH 1 lần (trên 6 tháng là được nhận)

Sau 1 – 1,5 năm (kể từ ngày thôi việc), nếu quyết định không đóng bảo hiểm nữa, bạn sẽ đi nhận tiền BHXH. Trong trường hợp đi làm cho công ty mới có đóng bảo hiểm thì nên tiếp tục đóng, không rút giữa chừng. Bởi khi đóng đến 20 năm sẽ được hưởng lương hưu.

Trong trường hợp lương cơ bản không thay đổi theo tháng (nếu thay đổi phải lấy số trung bình), BHXH 1 lần được tính như như sau: sau năm 2014: (Lương cơ bản) x (số năm) x 2 (hệ số bắt buộc sau năm 2014); nếu trước năm 2014, thì hệ số bắt buộc sẽ là 1,5; thay vào rồi tính như bình thường.

Trường hợp bạn làm việc giữa mốc 2014 – 2015 thì phải tách ra 2 phép tính, 1 phép tính của năm 2014, 1 phép tính của năm 2015, sau đó tổng lại. Cách quy đổi số tháng thành năm: trên 6 tháng tính thành 1 năm; trên 12 tháng tính thành 1,5 năm; trên 18 tháng tính thành 2 năm,…

Giấy tờ cần thiết để làm thủ tục nhận tiền bao gồm: CMND, sổ bảo hiểm, giấy quyết định nghỉ việc, sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú có xác nhận địa phương. Địa điểm nhận tiền, bạn cũng tìm nơi chi trả BHXH ở quận/huyện mình đang tạm trú hoặc thường trú trên mạng. Sau đó, bạn đi đến và làm theo hướng dẫn.

Trên đây là những kinh nghiệm để lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp và BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc. Nếu đủ điều kiện để nhận các khoản trên, hãy tham khảo kỹ bài viết và đừng để lãng phí số tiền mà mình đã đóng vào và giờ được rút ra nhé!

Tác giả:

Tin nên đọc