Lá thư từ Diêm Vương
Có một cụ già, tuổi cao sức yếu, sau khi chết xuống âm phủ gặp Diêm vương. Ông trách Diêm vương đã không viết thư báo cho ông biết trước cái chết của mình, giờ đột nhiên bắt ông chết, khiến ông không kịp chuẩn bị chu đáo cho cái chết của mình, cũng chẳng kịp nhắn nhủ gì với con cháu.
Nghe lời trách của ông, Diêm Vương đáp: "Ta luôn gửi thư cho ngươi, nhưng ngươi quá bàng quan và phớt lờ chúng. Hãy nhớ lại, khi mắt nhà ngươi mờ hơn trước, là ta gửi bức thư đầu tiên; khi chiếc răng đầu tiên của nhà ngươi rụng, là khi ta gửi bức thư thứ hai; khi tai ngươi lãng đó là lúc lá thư thứ ba đến tay. Ngươi ngày càng kém ăn, kém ngủ, cơ thể suy nhược, chính ngươi đã không biết ta đã viết bao nhiêu bức thư báo cho ngươi ư? Ngươi không dụng tâm chú ý, lắng nghe cơ thể mình, chấp mê bất ngộ. Giờ lại oán trách ta là sao?"
Nghe những lời phân tích của Diêm vương, ông cụ chỉ biết im lặng và thở dài. Đúng thế, Diêm vương đã gửi cho ông những tín hiệu vô cùng rõ ràng, cảnh báo về một ngày gần kề rời bỏ thế gian của ông, nhưng ông đã cố chấp bỏ quên.
Đứng gần đó có một thanh niên cũng vừa có mặt, nhìn thấy Diêm vương liền buông lời trách móc: "Còn tôi thì sao, thưa Diêm vương? Mắt tôi còn sáng, tai tôi hãy thính nhạy, răng còn sắc và linh hoạt, xương cốt khỏe mạnh dẻo dai... Tóm lại, thân thể tôi rất cường tráng, rắn rỏi, vậy tại sao Diêm vương lại gọi tôi xuống đây? Sao nỡ lòng nào không gửi một lá thư báo trước cho tôi biết? Còn quá nhiều thứ dang dở tôi muốn thực hiện nơi dương thế, sao không cho tôi một một chút ít thời gian nữa? Tôi không phục!".
Diêm vương ôn tồn đáp: "Ta đã từng viết thư cho ngươi, chỉ là người không để ý. Đó là khi hàng xóm phía Đông của ngươi, có người ba mươi, bốn mươi tuổi đã chết; hàng xóm phía Tây của ngươi, có người mười, hai mươi tuổi đã chết. Với lại, còn có đứa trẻ một tuổi hoặc con nít mới sinh đã chết. Những lời cảnh báo ấy chẳng phải quá rõ ràng ư? Thân là một người trẻ, không chịu nhìn nhận thế giới xung quanh, lắng nghe cơ thể một cách hời hợt, chỉ cậy vào tuổi trẻ, độ tuổi để bao biện cho sự ơ hờ trong việc chăm sóc sức khỏe, giờ lại oán trách ta ư?".
Đến lúc này, chàng trai trẻ mới cúi gằm mặt, buồn rầu, tỉnh ngộ hiểu rằng khi quanh mình phát sinh sự bất hạnh, đó đều là Diêm vương đang nhắc nhở: cần lấy đó làm bài học, theo thiện bỏ ác, không ngừng tu dưỡng bản thân, chăm sóc sức khỏe. Nếu xung quanh mình có nhiều người tốt việc tốt, thì lấy hiền làm thầy, lấy thiện làm vui, việc ở tại người.
Dành cả đời kiếm tiền để sau này trả tiền viện phí, cuộc sống thế này liệu có đáng?
Trước 30 tuổi, có mấy người nhận thức được xung quanh mình có bao nhiêu người mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa. Ngày xưa, những căn bệnh như ung thư, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm là những căn bệnh nghe rất "lạ". Còn bây giờ, số người mắc những căn bệnh đó ngày càng nhiều hơn, thoạt đầu ta choáng váng, sửng sốt, nhưng dần thấy quen thuộc đế nỗi dửng dưng, chẳng mấy bận tâm.
Đời sống của chúng ta ngày càng cao, ngày càng có nhiều người hướng đến "3 cao": Cao huyết áp, hàm lượng mỡ trong máu cao, lượng đường huyết trong máu cao. Hệ quả, số lượng người mắc những căn bệnh về tim mạch tăng dần theo năm tháng. Một điều đáng e ngại là, căn bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những người độ tuổi khoảng 30.
Hỏi thế gian này, chiếc giường nào là đắt nhất? Không phải chiếc giường dát vàng Baldacchino Supreme (133,8 tỉ), cũng không phải giường ngủ lơ lửng của Janjaap Ruijssenaars (34 tỉ), câu trả lời nghe khó tin nhưng đó lại là sự thật: Chiếc giường đắt nhất thế giới mà không ai muốn rước về, chính là giường bệnh.
Chúng ta luôn may mắn có người tương trợ những lúc khó khăn.
Nếu chúng ta không biết lái xe, luôn có người sẵn lòng đèo chúng ta đi khắp mọi nơi.
Nếu chúng ta không tự mình kiếm được bạn trai hay bạn gái, luôn có những người "mai mối" sẵn lòng giúp đỡ.
Nếu chúng ta không kiếm được tiền, sẽ có người kiếm tiền giúp chúng ta.
Nhưng khi chúng ta bị bệnh, không ai có thể chịu căn bệnh đó thay cho bạn!
Cái gì mất cũng có thể kiếm lại được, chỉ duy nhất một thứ không thể lấy lại, đó là cuộc đời.
Tác giả: