Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng NSƯT Bùi Cường sẽ được tổ chức vào ngày 7/8 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ngày 3/8, khán giả bất ngờ trước thông tin NSƯT Bùi Cường qua đời sau một thời gian chữa trị tai biến tại bệnh viện Xanh Pôn. Sự ra đi của nam diễn viên Chí Phèo là một mất mát to lớn với nền điện ảnh nước nhà. Năm nay, NSƯT Bùi Cường có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND.
Nhắc đến nghệ sĩ Bùi Cường là nhắc đến nhân vật Chí Phèo năm nào trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bộ phim đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ.
NSƯT Bùi Cường lớn lên tại phố Hàng Cháo, Hà Nội. Từ khi còn nhỏ, nghệ sĩ Bùi Cường là một người rất yêu văn nghệ nhưng sau này khi lớn lên ông không đến với nghệ thuật ngay mà phải rất lâu sau ông mới bắt đầu đi vào con đường nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nghệ sĩ Bùi Cường đi học Trung cấp điện và về làm việc tại xí nghiệp Điện Cơ Thống Nhất. Tại đó, ông thường xuyên tham gia vào các đội kịch của thành phố và đóng góp nhiều thành công về cho đội.
Năm 1973, nghệ sĩ Bùi Cường trúng tuyển vào lớp diễn viên điện ảnh khóa 2. Sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ Bùi Cường về hãng phim truyện Việt Nam làm việc cho đến khi anh được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai "Chí Phèo", ông mới thực sự nổi danh trên con đường nghệ thuật của mình.
Năm 1983, trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 với vai diễn Chí Phèo, nghệ sĩ Bùi Cường vinh dự nhận giải thưởng Huy chương vàng cho diễn viên chính xuất sắc nhất. Sau vai diễn thành công Chí Phèo, nghệ sĩ Bùi Cường tiếp tục được mời đóng các vai bộ đội, biệt động, chiến sĩ...
Sau 15 năm gắn bó với nghiệp diễn viên, với niềm say mê điện ảnh đã đưa nghệ sĩ Bùi Cường tới nghề đạo diễn. Bộ phim truyện đầu tay của ông là " Người hùng râu quặp" sản xuất năm 1990. Bộ phim là một trong những bộ phim ăn khách trong dòng phim thị trường vào lúc bấy giờ.
Năm 1996, ông hoàn thành bộ phim truyện nhựa đầu tay tiếp theo của đạo diễn là "Người đàn bà không con" - một bộ phim tâm lý cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả truyền hình.
Có thể nói trong lĩnh vực truyền hình, NSƯT Bùi Cường đã đạt được một số thành công nhất định. Ông đã làm đạo diễn cho tầm 80 bộ phim truyền hình, trong đó bộ phim "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" dài 29 tập đã được khán giả hào hứng theo dõi và giành được Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, nghệ sĩ Bùi Cường còn có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Ông kết duyên với bà Kim Mùi vào năm 1977 khi vừa tốt nghiệp lớp diễn viên. Vợ của nghệ sĩ Bùi Cường là người phụ nữ Hà Nội tảo tần, tháo vát, là hậu phương vững chắc cho ông hoạt động nghệ thuật. Nghệ sĩ Bùi Cường có hai người con gái nhưng không ai theo nghề diễn.
Tác giả: