Loại quả dại xưa không ai ngó nay thành đặc sản mùa hè,120.000 đồng/kg

( PHUNUTODAY ) - Loại quả này có vị chua chua, chát chát lạ miệng, dùng để ăn vặt hay nấu canh chua, kho cá đều ngon.

Cây sổ hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như cây sổ bà, thiều biêu, trong tiếng Thái còn được gọi là Ma Sản, là một loại cây rừng trước đây ít người biết tới. Quả của cây này lạ lùng từ cái tên đến hình dáng bên ngoài. Chúng thường phân bố ở Nam Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Ở Việt Nam, cây sổ thường xuất hiện ở các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình.

Theo Phụ nữ Việt Nam, cây sổ là loại cây thân gỗ to, cao từ 15-20m, vỏ thân xù xì. Lá cây to có hình bầu dục, hai đầu nhọn, mép khía răng cưa rất đều, phiến lá dài 13-30cm, rộng 5-10cm, 15-23 đôi gân nổi rõ ở mặt dưới. Hoa to mọc đơn độc ở kẽ lá, đường kính tới 10cm.

Quả sổ có hình cầu, đường kính 10cm hoặc to hơn. Phần đài tồn tại, phát triển thành bản dày mọng nước vị chua ăn được như chanh. Cây sổ ra hoa vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, quả bắt đầu vào mùa là tháng 8 – 10.

Cây sổ bà thường mọc ở các tán rừng, ẩm và độ cao khoảng 1000m. Cây ưa sáng, có thể chịu bóng. Cây cho hoa quả nhiều, quả rơi xuống và phát triển thành cây. Cũng có một số quả rơi trôi theo dòng nước, gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành cây, vì vậy có thể thấy cây sổ bà mọc ở các vùng thượng nguồn sông, dọc bờ sông, bờ suối.

Cây rất sai quả. Quả sổ được rất nhiều người vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Tây Bắc dùng để ăn sống chấm với muối hoặc nấu canh.

Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, chị Lan (ở Bắc Kạn) cho biết: "Quả sổ bà còn gọi là quả sổ, mọc ở bờ sông, suối, hoặc các khe núi, rất ít khi có cây sổ ở vùng núi cao bởi cây này ưa nước. Nói là quả sổ nhưng thực chất là các cánh hoa khép lại ôm chặt lấy nhụy cho ra quả này. Chúng có kích thước khá lớn, bằng cái bát ăn cơm.

Quả sổ nặng nhưng cuống của chúng lại rất yếu nên chỉ cần gió to là chúng rơi lộp độp. Người dân vào rừng cũng không cần trèo lên cây để hái mà đi nhặt quanh gốc hoặc dùng đá ném vào quả là rụng xuống, cho vào gùi mang về nhà".

Theo chị Lan, quả sổ có vị chua thanh đặc biệt, chấm với muối ớt rất ngon. Trước đây đám trẻ con thường mang muối ớt ra gốc nhặt quả sổ rồi ăn như một món ăn vặt. Còn các bà, các mẹ thì mang quả sổ về để nấu canh chua hoặc kho cá suối.

"Trái sổ cứ cắt từng khúc, cứa nhỏ ra cho nhanh mềm. Cá to thì cắt khúc, cá nhỏ thì để nguyên con, cho thêm ít muối, mì chính rồi cứ thế đun sôi khoảng 10 phút. Không cần phải đun quá lâu vì cá cũng nhanh chín, và đun lâu quá quả sổ lại nồng. Nếu ai đã từng ăn canh sổ bà sẽ thấy giống như canh sấu, canh khế chua ở dưới xuôi. Song càng ăn càng thấy hương vị của nó rất khác: chua thanh và thơm hơn rất nhiều”, chị Lan nói thêm.

Những năm gần đây, trái sổ bà trở thành đặc sản được nhiều người thành phố tìm mua. Ngoài làm gia vị chế biến món ăn, nhiều người còn đem nó đi làm mứt, pha làm nước giải khát.

Ngoài trái sổ tươi, trên chợ mạng còn bán cả trái sổ khô. Loại này được bà con vùng cao tách sẵn rồi đem phơi khô, nếu bảo quản cẩn thận có thể dùng được quanh năm. Loại khô cũng có mùi vị chua thanh như quả tươi nhưng không không thơm bằng. Nhưng quả sổ chỉ có một mùa nên muốn ăn quanh năm phải dùng loại sổ khô.

Trên thị trường có một vài nơi bán trái sổ khô với giá lên tới 120.000 đồng/kg. Những người đã biết tới mùi vị của trái sổ rừng thì đặt mua về thưởng thức, còn những người chưa biết thì tò mò đặt mua về ăn thử.

Tác giả: M

Tin nên đọc