Nhiều chị em phụ nữ khi biết mình mang bầu là án binh bất động, không dám vận động bởi họ sợ gây hại cho em bé. Đây là niềm tin phổ biến của hầu hết các bà bầu.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, quan điểm này hoàn toàn sai trong trường hợp thai phụ có tiền sử và khám thai định kỳ bình thường. Sau khi loại trừ các nguy cơ thì các mẹ bầu nên vận động sinh hoạt theo hướng dẫn phù hợp thể lực để giúp cơ thể của mẹ khỏe khắn hơn, đồng nghĩa bé sẽ tốt hơn. Những mẹ bầu án binh bất động nhiều sẽ có nguy cơ cứng khớp, viêm đường hô hấp, giảm sức đề kháng và đặc biệt khó đẻ thường hơn.
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, tập thể dục đem lại rất nhiều lợi ích trong quá trình mang bầu, chẳng hạn như:
1) Tăng cường não bộ
Những đứa bé sinh ra ở nhóm bà mẹ tập thể dục thường xuyên có chức năng não trưởng thành hơn và tiến bộ hơn so với nhóm trẻ mà bà mẹ ít tập thể dục, nhờ đó chúng có phản xạ với âm thanh tốt hơn.
2) Tốt cho sức khỏe tim mạch
Một cuộc nghiên cứu năm 2011 của đại học Y, khoa Sinh tại Missouri, đã tập trung tìm hiểu hoạt động liên quan đến tim mạch của thai phụ và thai nhi. Họ phát hiện ra rằng thể dục nhịp điệu tốt cho tim mạch của thai phụ và thai nhi.
3) Duy trì trọng lượng trẻ ở mức ổn định
Một nghiên cứu được thực hiện ở New Zealand năm 2010 cho thấy, các bà mẹ tập thể dục khi mang thai có xu hướng sinh con có trọng lượng phù hợp và khỏe mạnh. Tất cả trẻ sơ sinh trong nghiên cứu sinh ra trong tình trạng khỏe mạnh, song những em bé sinh ra từ những bà mẹ tập thể dục thường xuyên có trọng lượng cơ thể gần với mức trung bình hơn và không có nguy cơ béo phì.
Bác sĩ Trần Vũ Quang khuyến cáo, đối với một số bà bầu lần đầu tiên tập thì trước hết cần tập từ từ và chậm rãi. Ngoài ra, với những trường hợp sau không nên tập thể dục khi mang bầu:
- Trường hợp mẹ bầu bị dọa sảy hoặc dọa đẻ non hay nói là động thai: Tức là khi mang thai bạn có tình trạng ra máu âm đạo, đau bụng dưới, có cơn co tử cung thành cơn và đi khám bác sĩ sản phụ khoa cẩn thận sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngời và sinh hoạt nhẹ nhàng. Với các thai phụ có tiền sử sinh non trước 37 tuần cũng sẽ phải cẩn thận hơn cho lần sinh sau.
- Mắc các bệnh lý bánh rau: Rau tiền đạo, rau cài răng lược, rau bong non ... Vì nguy cơ chảy máu cấp cứu nên hết sức cẩn thận
- Mang đa thai: Các bà bầu mang song thai, ba thai ,.. thì càng nhiều thai trong bụng sẽ tăng nguy cơ dọa đẻ non bạn nên xin ý kiến bác sĩ khám thai định kỳ cho mình để cho lời khuyên cụ thể từng trường hợp.
- Mẹ bầu mắc bệnh hô hấp: Với khi hậu nhiệt đới Việt Nam các bà bầu hay gặp các bệnh hô hấp kèm theo như viêm đường hô hấp trên và dưới, hen suyễn , viêm phế quản, viêm thanh quản, nguy hiểm viêm phổi... Thì nên được bác sĩ chuyên khoa hô hấp tư vấn cho bạn cụ thể phương pháp tập luyện phù hợp nếu không tại phản tác dụng ảnh hưởng sức khỏe gây khó thở, kiệt sức ...
- Mẹ bầu mắc các bệnh lý tim mạch và huyết áp: Thể chất mẹ bầu mắc các bệnh lý tim mạch sẽ luôn yếu ớt, dễ khó thở thì nên vận động nhẹ nhàng. Khi bị tăng huyết áp thể dục là tuyệt đối hạn chế.
Video: Bài tập đơn giản mà các mẹ bầu có thể thực hiện tại nhà
Bác sĩ Trần Vũ Quang gợi ý 8 bài tập cực dễ, vô cùng đơn giản mà các mẹ bầu có thể thực hiện tại nhà mà vẫn có tác dụng đối với thai nhi và cơ thể:
Bài tập 1: Căng chân
- Mục đích: Tăng sự dẻo dai của cơ bắp chân.
- Tư thế: Ngồi thẳng, hai tay chống sàn, hai chân duỗi.
- Cách tập: Hít vào đẩy hai bàn chân về phía sàn nhà, thở ra kéo về phía cơ thể.
Bài tập 2: Quay bàn chân
- Mục đích: Tăng tuần hoàn ở bàn chân và do đó có thể giảm phù chân.
- Tư thế: Ngồi thẳng, hai tay chống sàn, hai chân duỗi.
- Cách tập: Hít vào đẩy hai chân về sàn nhà và quay cổ chân một vòng. Thở ra kéo chân về phía cơ thể và quay một vòng ngược lại.
Bài tập 3: Giãn khớp hông
- Mục đích: Làm giãn khớp hông, có thể giúp sanh dễ dàng hơn.
- Tư thế: Ngồi thẳng trên sàn, chân gập, hai lòng bàn chân áp vào nhau.
- Cách tập: Hít vào và đẩy hai gối về phía sàn nhà một cách nhẹ nhàng, thở ra thư giãn.
Bài tập 4: Căng cơ hông
- Mục đích: Giảm căng thẳng vùng hông, háng và giảm đau lưng.
- Tư thế: Ngồi thẳng trên sàn, chân gập, hai lòng bàn chân áp vào nhau.
- Cách tập: Hít vào đẩy 2 gối về phía sàn nhà trong khi 2 tay kéo 2 gối lên, hai lực đối kháng này sẽ làm giảm căng thẳng vùng hông và làm giảm đau lưng dưới. Thở ra thư giãn.
Bài tập 5: Lườn
- Mục đích: Làm tăng sự dẻo dai của cơ liên sườn.
- Tư thế: Ngồi thẳng, xếp bằng trên sàn.
- Cách tập: Hít vào duỗi thẳng tay phải trên đầu, căng hông và đánh tay qua trái, thở ra thư giãn. Sau đó đổi tay.
Bài tập 6: Tay
- Mục đích: Duy trì và phát triển trọng lực của cơ cánh tay, vai và liên sườn.
- Tư thế: Ngồi thẳng chân xếp bằng, đưa hai tay lên đầu.
- Cách tập: Hít vào, đưa cánh tay phải lên cao, hơi căng cơ vùng hông, thở ra thư giãn. Lặp lại với tay trái.
Bài tập 7: Xương chậu
- Mục đích: Duy trì, làm chắc vùng chậu và giúp giảm đau lưng.
- Tư thế: Nằm ngửa, co 2 chân, lòng bàn tay úp xuống sàn.
- Cách tập: Hít vào đầu ngẩng, lưng ưỡn cong, mông nhếch lên, co cơ bụng. Thở ra hạ mông sát xuống sàn.
Bài tập 8: Lưng
- Mục đích: Giảm đau vùng thắt lưng.
- Tư thế: Bò, tay và đùi chống thẳng 90 độ so với mặt sàn.
- Cách tập: Hít vào ngẩng đầu lên, lưng ưỡn cong. Thở ra cúi đầu xuống, lưng cong, mông hạ thấp.
Tác giả: