Lời Phật dạy: Người mẹ nạo phá thai sẽ phải chịu ác nghiệp và quả báo rất nặng về sau?

( PHUNUTODAY ) - Sát sinh, nghiệp ác sẽ theo con người ta đến hết cả cuộc đời hoặc tương lai (kiếp sau). Và người mẹ nạo phá thai sẽ mang một cái nghiệp rất nặng.

Theo giáo lý nhà Phật, sát sinh là một trong những tội nặng nhất. Sách Phật cũng dạy, trên đời này có cõi luân hồi, có luật nhân quả. Một chúng sinh phải tạo nghiệp thiện, tu tập hàng ngàn kiếp mới được làm người. Tuy nhiên, trên thực tế, khi chưa được nhìn thấy ánh mặt trời, nhiều sinh linh đã bị “giết” bỏ. Dân gian đã đồn đoán không ít câu chuyện cho rằng, “linh hồn” của những đứa bé đó sẽ oán hận và đi theo người mẹ suốt đời.

Vòng luân hồi báo ân, báo oán

Đại đức Thích Đồng Giải, Trụ trì chùa Linh Sơn và chùa Vạn Phật (thành phố Plei Ku, Gia Lai) từng chia sẻ rằng, không ít người phụ nữ cũng nói chuyện với ông, vì một lẽ gì đó mà họ phải từ bỏ cái thai trong bụng mình. Tối ngủ, họ thường xuyên nằm mơ thấy một đứa trẻ lạ mặt chạy xung quanh.

Con người không chỉ có một kiếp, người này gặp người kia để trả nợ, báo ân, báo oán và đòi nợ. Tùy theo duyên, nghiệp mà họ đi theo nhau đến cả ngàn kiếp. Việc không ít gia đình làm ăn lụi bại sau khi phá thai là điều phù hợp với luật nhân quả bởi khi sát sinh, nghiệp ác đó có thể báo ứng ngay ở hiện tại (kiếp này) hoặc tương lai (kiếp sau).

Nhiều người gây nghiệp ác, phá thai còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chính vì thế, khi mắc sai lầm hãy thành tâm sám hối bằng tất cả tấm lòng, không nên tìm cách bào chữa, bởi không có lý do nào được xem là hợp lý để tước đi quyền sống của một con con người.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 ca phá thai, có nghĩa là 300.000 sinh linh, mạng sống đã bị chối bỏ.

Mọi người cần phải nhận thức được tác hại của việc nạo phá thai đến sức khỏe, tâm lý và hạnh phúc gia đình. Nhiều thiếu nữ sau khi phá thai đã tự tử và nhiều phụ nữ luôn ray rứt, bị trầm cảm, ám ảnh về chuyện phá thai đến suốt đời.
Tuy nhiên, bên cạnh những người tỏ ra sám hối thì không ít phụ nữ coi đó là điều bình thường. Bởi họ cho rằng, đứa trẻ chưa sinh ra, việc phá thai không phạm pháp. Đây là cách suy nghĩ lệch lạc và tội ác không thể dung thứ được.

Ác nghiệp, hậu quả về sau

Trong sách nhà Phật có nói đến thuyết luân hồi. Có nghĩa là khi một người mất đi, thần thức của họ vẫn sống. Thần thức không tồn tại dưới dạng vật chất nên người bình thường không thể nhìn thấy được. Thần thức của người đó sẽ tồn tại 49 ngày rồi tự mất đi. Tùy theo nghiệp của người chết sẽ được đầu thai theo 6 nẻo luân hồi. Đó là cõi Trời, cõi Người, cõi Atula, cõi Địa ngục, cõi Ngã Quỷ, cõi Súc sinh.

Khi đó, nếu được đầu thai làm người thì phải có ba yếu tố. Thứ nhất là tình cha, hai là thuyết mẹ, ba là hơi ấm (tức thần thức). Khi cái thai đó bị người mẹ bỏ đi, thần thức sẽ bị tổn thương, chịu nghiệp bất thiện. Bởi người mẹ đó đã tước mất những cơ hội mà cuộc sống trần thế có thể mang đến cho nó để tìm kiếm nghiệp thiện. Như vậy, cơ hội để linh hồn đứa trẻ đó đầu thai thành kiếp người ở kiếp sau rất khó.

Bên cạnh đó, trong quan điểm Phật giáo, thai nhi được 7 tuần tuổi được coi là một mạng sống hoàn chỉnh. Trong vòng bảy tuần, nếu người mẹ nào phá bỏ đã mang tội rồi, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Còn nếu quá bảy tuần mà cố ý nạo phá thai thì đồng nghĩa với việc họ đã mắc tội sát sinh và phải gánh hoạ theo luật nhân quả.

Trong nhà Phật có nói được làm người khó như một con rùa ở giữa biển cả mênh mông, lâu lâu mới trồi lên mặt nước một lần. Trên mặt biển có một khúc gỗ mục trôi, con rùa làm sao trồi lên gặp đúng bọng cây đang trôi vô định đó, điều ấy thật khó xảy ra.

Cũng vậy, thân người cũng khó được như con rùa mù gặp bộng cây. Khó vì lâu lắm con rùa mới trồi lên mặt nước một lần và khó hơn là làm sao trong cái khó ấy lại gặp đúng bọng cây giữa biển cả mênh mông. Cho nên, mới nói rằng “Nhất thất nhơn thân, vạn kiếp bất phục”, nghĩa là:

Một lần lỡ mất thân người
Trăm ngàn muôn kiếp than ôi khó tìm.

Tác giả: Nguyễn Thị Hương