Trong căn nhà xiêu vẹo, ngập ngụa đất sỏi, bùn lầy, ông Lù Mí Dình (80 tuổi), bản Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ quét.
Ông Dình nói, lúc ấy khoảng 6h30, trong nhà lúc đó có 6 người, gồm hai vợ chồng già và 4 người con. Ông Dình đang nằm trên giường thì nghe thấy tiếng gầm như sấm vang bèn hốt hoảng ngồi dậy đi xem có chuyện gì xảy ra.
Chưa kịp hiểu chuyện gì thì người nhà lao đến, cõng ông lên lưng rồi tháo chạy. Tích tắc sau đó, căn nhà của ông Dình ngập trong bùn đất, mọi vật dụng trong nhà bị đảo lộn, tường nhà bằng gỗ bật khỏi mặt đất, mọi thứ chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn.
Ông kể: "Khi ấy tôi chỉ nghĩ là mưa lớn, nhà dột nên phải đi chỗ khác chứ không nghĩ là lũ càn qua nhà. Sau khi biết lũ quét qua tôi mới thở phào. Nếu lúc đó không được cõng đi kịp thời thì tôi đã bị vùi trong đống bùn kia".
"Tôi sống ở đây từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến vậy. Đá núi, đất sỏi cuồn cuộn ập xuống, san phẳng mọi thứ", ông cụ nói.
Bản nghèo vốn bình yên nay chìm trong cảnh tang tóc, điêu tàn. Những nóc nhà sàn, nhà gỗ bị xóa sổ chỉ còn lại đống đất sỏi ngổn ngang.
UBND huyện Quản Bạ ngày 26/6 cho biết, mưa lũ khiến một số tuyến đường bị đất đá sạt lở vùi lấp. Đặc biệt tuyến QL 4C tại km44-km45 bị sạt lở đất đá với trên 100m3 làm tắc nghẽn giao thông; từ km62-km67 bị vùi lấp với khối lượng khoảng 800m3 đất đá; tỉnh lộ 181 đoạn qua Lùng Tám đi Thái An bị sạt lở, vùi lấp ước tính hơn 5.000 m3.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng phá đá, thông các tuyến đường, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm trườn qua các vách đá, men theo các mép vực để đi qua những đoạn bị chia cắt. Nhiều người chọn cách men theo các nương ngô dọc sườn đồi trơn trượt để tìm đường về bản.
Ông Sùng (bản Tùng Nùn) chia sẻ: "Bão lũ nhiều ngày, tôi phải đi ra ngoài để mua thực phẩm, bắt buộc phải bám vào vách đá để về chứ không còn cách nào khác".
Ông Nguyễn Ánh Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tám cho hay: "Chúng tôi đã tuyên truyền rộng rãi đến bà con, nhân dân tránh xa các khu vực nguy hiểm như không vớt củi ven sông, không đi qua những đoạn đường bị chia cắt.
Tuy nhiên, do ở đây đặc thù chỉ có đường độc đạo nên nhiều bà con vẫn bất chấp nguy hiểm đi qua, trước khi lực lượng chức năng phá đá, thông đường".
Tại Lai Châu, sau bốn ngày bị đất đá sạt lở do mưa lớn, ngày 25/6, lực lượng chức năng vẫn đang dọn bùn đất sạt lở, để khai thông trên QL 4D, Km 75, xã Sơn Bình huyện Tam Đường, Lai Châu.
Dưới thời tiết mưa gió, nhiều gia đình phải đứng chờ để đi qua đoạn đường đang bị sạt lở. Gia đình chị Ma Thị Sính (thôn 6, Thượng Hải, Bảo Yên, Lào Cai) đã phải xuống xe khách tại đây từ 9h sáng, không có đồ ăn, thức uống, phải nhịn đói từ sáng đến chiều.
“Gia đình tôi đi từ sáng đến giờ chưa ăn gì, giờ đói lắm rồi”, chị Sính tâm sự trong sự đợi chờ thông đường để về nhà
"Cả gia đình không mang theo đồ ăn, trong khi điểm ăn uống lại ở xa hiện trường vụ sạt lở hàng chục cây số nên chúng tôi không có gì để ăn", chị Sính nói và cho biết, đứa con nhỏ 11 tháng tuổi của chị còn bú sữa trong khi mẹ đã kiệt sức vì đói.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cho biết, tính đến ngày 26/6 mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 15 người chết (Hà Giang: 3 người chết do sập nhà; Lai Châu: 12 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập).
Mưa lũ cũng đã khiến 11 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi; hơn 83 căn nhà bị đổ, cuốn trôi; 508 căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; hơn 1.200ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; gần 100 con gia súc, 5.400 con gia cầm bị chết. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 141 tỷ đồng (Hà Giang 25 tỷ đồng, Lai Châu 95 tỷ đồng, Thái Nguyên 0,32 tỷ đồng, Lào Cai 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên 2 tỷ đồng, Tuyên Quang 10 tỷ đồng).
Tác giả: