Mâm cỗ Tết '4 bát 6 đĩa' của người Hà Nội xưa có những món gì?

( PHUNUTODAY ) - Mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa không chỉ có sự tinh tế về hình thức, cầu kỳ về cách chuẩn bị, chế biến mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường được chuẩn bị theo nguyên tắc 4 bát 6 đĩa, 4 bát 8 đĩa hoặc nhà đông con cháu hơn, có điều kiện hơn thì số lượng đĩa tăng lên là 10, 12.

Trong đó, 4 bát tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 phương). Bát ở đây chính là bát canh. Bốn bát cách "tứ bất tử" trong mâm cỗ thường có canh bóng - vây - măng - miến hoặc lựa 4 món khác để thay đổi như mực nấu rối, chim hầm hạt sen, nấm bao giò.

Bát canh măng ninh với móng giò được điểm xuyết cùng với củ hành để dài, trần sơ qua nước sôi vắt lên. Khi ăn, miếng măng phải nhừ, ngấm độ ngọt và vị béo của móng giò nhưng không bị ngấy.

Bát canh bóng cũng được chuẩn bị cầu kỳ không kém. Phần bóng được ngâm rửa kỹ để không còn mùi hôi, được tỉa thành hoa văn khéo léo. Canh phải có nấm hương, thịt nạc thăn, một số loại rau củ khác cũng được gọt tỉa để tạo thêm màu sắc cho canh.

Cách bày biện đĩa thức ăn trong mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường nhỏ hơn so với các nơi khác.

Mâm cố Tết của người Hà Nội xưa được chuẩn bị khá cầu kì.

Các món ăn khác trên mâm cỗ sẽ có sự thay đổi tùy theo khẩu vị, điều kiện của gia đình.

- Thịt đông

Mâm cỗ Tết ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thường có sự xuất hiện của bát thịt đông. Bát thịt đông trong veo như thạch mang ý nghĩa khởi đầu năm mới trong trẻo, tinh khôi.

- Canh bóng thả

Bát canh bóng là sự kết hợp hài hòa giữa bóng bì mềm cùng với các loại rau củ, nấm, thịt, nước dùng thanh ngọt như bức tranh mùa xuân tươi mới. Đây là một trong bống món chính trên mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa.

- Gà luộc

Gà luộc là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết. Gà được dùng trong lễ cúng là gà trống thiến.

Con gà gáy mang ý nghĩa đánh thức mặt trời, báo hiệu đêm chuyển sang ngày, màu này chuyển qua mùa khác, năm cũ kết thúc, năm mới đến. Bày gà trên mâm cỗ Tết thể hiện việc đón chào cái mới, mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.

- Nem rán

Nem rán có lớp vỏ vàng ruộm, giòn tan, bên trong là phần nhân mềm ngọt, hòa quyện hương vị của các loại nguyên liệu khác nhau. Đây là món ăn đơn giản nhưng thường xuyên xuất hiện trên mâm cỗ Tết của người Hà Nội.

- Xôi gấc

Xôi gấc cũng có thể xuất hiện trên mâm cỗ Tết. Món này được ưa chuộng vì màu sắc đỏ thắm tự nhiên đại diện cho may mắn, khởi đầu năm mới vẹn tròn.

- Canh măng móng giò

Canh măng móng giò là món ăn đặc trưng ngày Tết của nhiều địa phương ở miền Bắc chứ không riêng Hà Nội. Bát canh măng móng giò được nấu cẩn thận, trải qua thời sơ chế nguyên liệu khá dài để măng được mềm nhưng vẫn giữ độ giòn, nước dùng ngọt thanh, không ngấy.

- Giò chả

Theo quan niệm dân gian, khoanh giò hịnh tròn, miếng chả quế thái vuông vắn, vàng ươm được coi là biểu tượng của sự phú quý, đủ đầy phúc lộc.

- Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết.

- Dưa hành

Dưa hành là món có tác dụng cân bằng hương vị, giải ngấy cho mâm cỗ ngày Tết với nhiều món thịt mỡ, chiên rán.

- Canh miếng nấu lòng mề gà

Trong mâm cỗ Tết, người ta thường sử dụng phần lòng, mề gà để nấu chung với miến. Ở thời bao cấp thiếu tốn, bát miến nước nấu với lòng mề gà thường xuất hiện trong các đám hiếu hỉ. Dần dà, món ăn này được yêu thích và đưa vào thực đơn dịp Tết của nhiều gia đình.

- Chè con ong, chè khô

Sau khi ăn cỗ Tết, người Hà Nội xưa thường thưởng thức món chè con ong, chè kho cùng với nước chè mạn (trà khô).

Tác giả: Thanh Huyền