Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng 2025: 8 điều thú vị bất ngờ và màu khói chờ đợi ở nhà nguyện Sistine

( PHUNUTODAY ) - Ngày 7/5 mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng sẽ bắt đầu và nhiều tín đồ cũng như người quan tâm sẽ "hóng" màu khói phát ra từ ống khói của nhà nguyện Sistine để biết kết quả.

Vào ngày 7/5, Tòa thánh Vatican sẽ chính thức tổ chức Mật nghị Hồng y nhằm bầu chọn người kế vị Giáo hoàng Francis. Đây là sự kiện trọng đại của Giáo hội Công giáo toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng triệu tín đồ và truyền thông quốc tế.

1. Quy trình tổ chức mật nghị bầu Giáo hoàng mới

Theo quy định, các Hồng y đủ điều kiện bỏ phiếu phải là nam giới, trong độ tuổi dưới 80 và đã là Hồng y tại thời điểm Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức. Dù một số Hồng y làm việc trực tiếp tại Vatican nhưng phần lớn Hồng y vẫn đang phục vụ tại các giáo phận khắp thế giới và sẽ phải đến Rome để tham gia sự kiện này.

Chỉ có lý do duy nhất được miễn trừ tham dự là do sức khỏe. 

Thông thường, mật nghị thường diễn ra sau 15-20 ngày kể từ khi Giáo hoàng qua đời nhằm bảo đảm đủ thời gian cho các Hồng y di chuyển đến Vatican. Tính đến hiện tại, có 135 Hồng y trên toàn thế giới đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị, tuy nhiên Vatican xác nhận hai Hồng y sẽ vắng mặt vì lý do sức khỏe nên chỉ còn 133 Hồng y tham gia bầu Giáo hoàng năm nay.

Đây là con số vượt qua con số 120 Hồng y cử tri quy định. Và đây cũng là lần đầu tiên con số này vượt qua quy định trong Tông hiến.

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng là sự kiện quan trọng được tín đồ Công giáo và truyền thông quan tâm

2. Các bước diễn ra trong ngày khai mạc

Ngày 7/5, sự kiện bắt đầu với thánh lễ đặc biệt tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter lúc 10h. Đến 16h30, các Hồng y sẽ tập trung tại Nhà nguyện Pauline để cầu nguyện, sau đó tiến vào Nhà nguyện Sistine để tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối. Mỗi Hồng y mang theo thẻ cử tri và mặc lễ phục tương ứng theo truyền thống phương Tây hoặc phương Đông.

Việc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào buổi tối cùng ngày. Các Hồng y sẽ ghi tên ứng viên lên lá phiếu, gấp lại và đích thân bỏ vào bình phiếu theo thứ tự thâm niên. Mỗi ngày có thể diễn ra tối đa bốn vòng bỏ phiếu.

3. Cách xác định người trúng cử và tín hiệu khói từ nhà nguyện

Ứng viên được chọn phải giành được ít nhất hai phần ba số phiếu hợp lệ. Việc bầu là bí mật nhưng việc kiểm phiếu được công khai, do ba Hồng y đảm trách. Sau mỗi vòng bỏ phiếu, tất cả phiếu bầu sẽ bị đốt. Nếu chưa chọn được Giáo hoàng, hóa chất đặc biệt được thêm vào để tạo khói đen – tín hiệu cho người dân biết vẫn chưa có kết quả. Khi chọn được người kế vị, khói trắng sẽ bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine – dấu hiệu thế giới đã có Giáo hoàng mới.

Trung bình, một mật nghị kéo dài khoảng ba ngày. Lịch sử gần nhất năm 2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio (sau này là Giáo hoàng Francis) được bầu vào ngày thứ hai, sau 5 vòng bỏ phiếu.

4. Ai có khả năng kế vị Giáo hoàng Francis?

Theo giới quan sát, Hồng y Pietro Parolin – Ngoại trưởng Vatican – đang là một trong những ứng viên sáng giá. Ông được đánh giá cao nhờ kinh nghiệm ngoại giao và sự hiện diện nổi bật trong các vấn đề toàn cầu của Giáo hội.

5. Những quy định nghiêm ngặt trong thời gian mật nghị

Các Hồng y lưu trú tại Nhà thánh Marta – nơi nghỉ chính thức trong thời gian diễn ra mật nghị. Họ bị cấm hoàn toàn các phương tiện liên lạc như điện thoại, internet, báo chí hay truyền hình. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, một hội đồng gồm bốn thành viên mới được phép phê duyệt việc liên lạc ra ngoài.

Các Hồng y lớn tuổi (trên 80 tuổi) không có quyền bỏ phiếu nhưng được mời tham dự các buổi thảo luận chuẩn bị.

Hồng y sẽ tuyên thệ giữ bí mật và bầu Giáo hoàng một cách sáng suốt, công minh. Ảnh AFP

6. Khi Giáo hoàng mới được chọn

Sau khi đạt đủ số phiếu, Hồng y được chọn sẽ được hỏi có chấp nhận vị trí Giáo hoàng hay không. Nếu đồng ý, ông sẽ chọn danh hiệu Giáo hoàng mới – thường mang ý nghĩa thể hiện tôn kính người tiền nhiệm hoặc thông điệp cho triều đại của mình.

Người được bầu sẽ bước vào "Phòng Nước mắt" – nơi ông mặc phẩm phục Giáo hoàng, với ba kích cỡ được chuẩn bị trước. Tên gọi phòng này bắt nguồn từ cảm xúc dâng trào của nhiều vị tân Giáo hoàng khi đối diện trọng trách mới.

Sau đó, Hồng y Trưởng đẳng Phó tế sẽ xuất hiện trước quảng trường Thánh Peter, đọc tuyên bố nổi tiếng Habemus Papam! – "Chúng ta đã có Giáo hoàng mới". Tân Giáo hoàng sẽ ra mắt công chúng và ban phép lành cho toàn thể giáo dân, chính thức bắt đầu triều đại lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Vị giáo hoàng được bầu năm 2025 là vị Giáo hoàng thứ 267 của giáo hội Công giáo. 

7. Hồng y nghĩa là gì?

Danh từ Hồng y tiếng Anh là Cardinal. Đây là từ xuất phát từ danh từ "cardo" trong tiếng Latin, có nghĩa là "bản lề". Hồng y nghĩa là những người có vai trò then chốt trong Giáo hội. Họ được xem như phần bản lề giúp cố định các cánh cửa và hỗ trợ đóng mở cửa dễ dàng. Nên đây là những người có vai trò quan trọng trong Giáo hội.

Tước vị "Hồng y" xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 7, chỉ các nhóm tu sĩ phò tá Giáo hoàng trong việc quản lý các cộng đoàn, đại diện cho cộng đoàn trong nghi lễ, hội đồng hay công đồng.

8. Mật nghị Hồng y 2025 đa sắc màu

 Năm 2025, Mật nghị Hồng y có tới 133 Hồng y cử tri tham gia, vượt qua con số từ trước tới này. Đặc biệt hơn không chỉ ở số lượng hồng y cử tri đông đảo mà còn là sự xuất hiện diện mạo mới lạ và đa dạng chưa từng thấy của Hồng y đoàn năm nay. Đó là vì Hồng y năm nay đã quy tụ rất nhiều vị hồng y đến từ những châu lục ngoài châu Âu.

Giới truyền thông cho rằng có thể có khả năng xuất hiện một vị giáo hoàng đến từ những nơi trước đây chưa từng được nhắc đến như châu Á hoặc châu Phi.

Tác giả: Như Bình