Là bộ phim cổ trang thứ hai và là tác phẩm thứ ba lên sóng của Nhậm Gia Luân trong nửa đầu năm 2020, Mộ bạch thủ nhận được nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ nói riêng và những trái tim yêu phim Hoa ngữ nói chung. Đi được nửa chặng đường, Mộ bạch thủ đã chứng tỏ là một bộ phim kiếm hiệp được chế tác công phu, mang đến cảm xúc trọn vẹn cho người xem.
Mang tới không khí võ hiệp 'chuẩn chỉnh'
Không ngoa khi nói rằng Mộ bạch thủ là một trong số ít những phim cổ trang còn mang tới cho khán giả 'phong vị' kiếm hiệp đích thực. Mở đầu bằng màn anh hùng cứu mỹ nhân của nam chính Na Lam Nhạc (Nhậm Gia Luân), phim vào thẳng chủ đề, kịch bản xử lý nhanh gọn, không có chi tiết dư thừa.
Mỗi tập phim đều có tiết tấu, cao trào lên xuống. Cao trào của từng tập gần như không tới từ tình cảm của hai nhân vật chính, mà là của các trận tỷ thí võ công hay những cuộc truy đuổi. Tình cảm của các cặp đôi chính, phụ trong Mộ bạch thủ được khai thác ở mức vừa đủ, không mắc bệnh 'ngôn tình hóa' phim kiếm hiệp, 'nhường đất' cho những tình tiết ân oán cừu thù khác.
Bên cạnh đó, Mộ bạch thủ còn ghi điểm mạnh nhờ việc đầu tư kỹ lưỡng vào binh khí của các nhân vật.
Xây dựng nhân vật đặc sắc
Một trong số những lý do níu chân khán giả ở lại với Mộ bạch thủ, đó chính là cách xây dựng nhân vật đặc sắc: mỗi một nhân vật đều được khai thác ở nhiều khía cạnh, không bị một màu. Chẳng hạn, Dung Túc - chị ruột của nữ chính Dung Họa (Trương Tuệ Văn) có thể là người lạnh lùng, vô tình trước mặt em gái, giống thuộc hạ của cha hơn là con đẻ, nhưng lại là cô gái nhiệt huyết, vì chuyện của thành Long Ngâm mà không màng sinh tử, và cũng là một tiểu cô nương biết ngượng ngùng trước mặt người mình yêu thích.
Dung Họa - con gái thứ hai của thành chủ, võ công chỉ dừng lại ở mức 'mèo cào' nhưng vẫn tự tin hành tẩu giang hồ bằng cách… đấu võ miệng hoặc chạy trốn. Cô gái vốn ngây thơ, hoạt bát buộc phải trưởng thành sau khi nhận ra cha ruột là kẻ phản diện, phu quân mất tích vào đúng ngày cưới và hắc hóa ngay sau đó. Trải qua nhiều biến cố, nhưng Dung Họa vẫn giữ được bản chất thiện lương, suy tính có chiều sâu, biết cân đo đong đếm hơn nhưng không hề suy nghĩ tiêu cực.
Nhắc tới nhân vật đặc sắc trong Mộ bạch thủ không thể nào không kể tới Na Lam Nhạc, cũng là Lâm Kính. Trong phim, Nhậm Gia Luân đảm nhận hai nhân vật một lúc: Na Lam Nhạc trầm tĩnh, thâm sâu và Lâm Kính hài hước, phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết. Cả hai cùng tồn tại song song trong một con người, bên ngoài là Lâm Kính, bên trong là Na Lam Nhạc, hình tượng của bộ đôi nhân vật này đều là hình tượng anh hùng dễ bắt gặp ở phim kiếm hiệp.
Tuy là người biết mình muốn gì và luôn nghĩ được cách để đạt được điều mình cần, giả làm kẻ 'cà lơ phất phơ' để vào được thành Long Ngâm điều tra khúc mắc, nhưng Na Lam Nhạc chưa bao giờ cố ý lạm sát hay giết chết ai đó để đạt được nguyện vọng. Với chàng, nói lý không được thì mới sử dụng đến võ công, không nhất thiết phải động đến binh đao.
Phá bỏ trở ngại thường thấy trong phim kiếm hiệp
Như đã nói ở trên, hình tượng Na Lam Nhạc và Lâm Kính đều khá phổ biến trong phim kiếm hiệp, tuy nhiên, ít có phim nào lại chọn kết hợp 'hai trong một' như Mộ bạch thủ.
Thậm chí, cả cách mà Na Lam Nhạc lẫn Dung Họa đối diện với tình yêu cũng khác so với lối mòn mà nhiều tác phẩm thường hay đi vào. Thành chủ của thành Long Ngâm - Dung Tĩnh Phong, cũng là cha của Dung Họa, là kẻ làm ra nhiều điều tàn ác. Chính sự tàn ác này đã dẫn đến mối thù giữa hai họ Dung và Na Lam, Na Lam Nhạc tới thành Long Ngâm để tìm ra nguyên nhân của ân oán này.
Dù biết hai họ thù sâu như bể, nhưng Na Lam Nhạc và Dung Họa không hề biến điều này thành trở ngại. Cả hai chọn cách ở bên nhau bình yên, tận hưởng niềm hạnh phúc của duyên tới, bởi họ chẳng phải là người trực tiếp gây ra 'mớ bòng bong' này. Nếu là những tác phẩm khác, có lẽ Na Lam Nhạc và Dung Họa đã sớm 'ngược' nhau ra 'bã', có một mối tình cười thì ít mà khóc thì nhiều.
Diễn viên chính thực lực
Nhắc tới Nhậm Gia Luân, khán giả chắc chắn sẽ nhớ tới diễn xuất biến hóa, chân thực của anh chàng. Dường như, bộ đôi vai diễn, kể cả quá trình hắc hóa trong Mộ bạch thủ không phải thử thách quá khó khăn với nam diễn viên khi anh được người xem đánh giá là cao, thoát hẳn khỏi hình bóng của những nhân vật cũ, mang đến một Lâm Kính cũng như Na Lam Nhạc hoàn toàn khác biệt. Hơn cả lời thoại, biểu cảm và sự biến hóa trong ánh mắt của Nhậm Gia Luân là điểm nhấn 'vô giá'.
Ngoài ra, Trương Tuệ Văn thủ vai Dung Họa khá tròn trịa. Nét đáng yêu của Mưu nữ lang phù hợp với vai nhị tiểu thư lém lỉnh, hoạt bát, thiện lương nhưng không dễ bắt nạt của thành Long Ngâm.
Tác giả: