Mua bán nhà đất không có Sổ đỏ như thế nào để không gặp rủi ro?

( PHUNUTODAY ) - Mua đất không có sổ đỏ có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và sự tự do sử dụng tài sản. Để tránh những rủi ro này, việc xác minh và đảm bảo có sổ đỏ là điều cần thiết trước khi tiến hành giao dịch mua bán đất.

Rủi ro khi mua đất không có sổ đỏ

Việc mua đất không có sổ đỏ có thể đối diện một số rủi ro.

Đầu tiên nhà đầu tư sẽ khó xác minh nguồn gốc của đất và thông tin về thửa đất. Sổ đỏ cung cấp thông tin chi tiết về quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền tài sản gắn liền với đất. Thiếu sổ đỏ, người mua không thể biết rõ về tình trạng quy hoạch, có tranh chấp hay bị lấn chiếm đất không.

Khi mua đất không có sổ đỏ, người mua sẽ bị hạn chế các quyền cơ bản của người sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc người mua không thể thực hiện các hoạt động quan trọng như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê. Việc mua đất không có sổ đỏ dẫn đến việc người mua không có đầy đủ quyền tự do sử dụng và giao dịch đất.

Mua đất không có sổ đỏ rất dễ xảy ra tranh chấp. Trường hợp này xảy ra thường xuyên trong thực tế, vì khi không có sổ đỏ, không có bằng chứng pháp lý xác định người nào có quyền sử dụng đất. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mua bán đất chồng chéo và mâu thuẫn về quyền sở hữu.

Mua đất không có sổ đỏ, người mua không thể thế chấp tài sản để vay tiền từ ngân hàng. Vì để thế chấp, người vay phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản đó. Quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép thế chấp khi có sổ đỏ.

Bên cạnh đó, nếu mua đất không có sổ đỏ và muốn xây dựng nhà trên đất đó, sẽ gặp khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng.

Để được cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp phép phải đi kèm với giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Điều này có nghĩa là khi đất không có sổ đỏ, rất khó để xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà trên mảnh đất đó.

Làm gì khi mua bán nhà đất không có sổ?

Với căn hộ chưa có sổ hồng:

Trường hợp mua trực tiếp từ chủ đầu tư

Bước 1: Thỏa thuận lập và ký hợp đồng mua bán nhà ở, đảm bảo các quy định của pháp luật. Sau đó, hợp đồng này sẽ được công chứng tại Văn phòng công chứng.

Hồ sơ chuyển nhượng căn hộ gồm:

- Hợp đồng mua bán nhà ở, CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị (bản chính).

- Các giấy tờ khác: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của hai bên; các hóa đơn, biên lai, phiếu thu cho các đợt đã thanh toán.

Bước 2: Bên nhận chuyển nhượng (người mua) có nghĩa vụ thanh toán tiền theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong Hợp đồng.

Sau khi thanh toán xong thì căn cứ vào thời gian đã ký kết trên Hợp đồng, phía chủ đầu tư dự án sẽ bàn giao nhà đã chuyển nhượng.

Bước 3: Hai bên sẽ thỏa thuận một bên sẽ thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với căn hộ chung cư đó.

Trường hợp mua của cá nhân hoặc hộ gia đình

Bước 1: Thỏa thuận và lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ theo quy định pháp luật.

Nếu bên chuyển nhượng không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã có chứng năng về kinh doanh bất động sản, thì văn bản chuyển nhượng mua bán căn hộ phải được công chứng hoặc chứng thực.

Hồ sơ đề nghị công chứng, chứng thực gồm:

- Bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ.

- Bản chính hợp đồng mua bán căn hộ đã ký với chủ đầu tư dự án xây dựng chung cư căn hộ đó; trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó.

- Bản sao có chứng thực và đem bản chính để đối chiếu các giấy tờ: CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị.

- Các giấy tờ khác: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của hai bên; các hóa đơn, biên lai, phiếu thu cho các đợt đã thanh toán.

Bước 2: Nộp thuế, phí, lệ phí cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

Sau khi công chứng văn bản, theo nội dung đã thỏa thuận trong văn bản chuyển nhượng hợp đồng thì một bên phải đi làm thủ tục kê khai nộp thuế tại cơ quan thuế.

Về nguyên tắc thì bên bán có phát sinh thu nhập nên sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận bên nào sẽ nộp và làm thủ tục nộp thuế cho thuận tiện.

Bước 3: Bên nhận chuyển nhượng sẽ nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ.

Hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận gồm:

- Bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ

- Bản chính hợp đồng mua bán căn hộ đã ký với chủ đầu tư xây dựng dự án đó.

- Biên lai chứng minh đã nộp thuế về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thuế theo quy định pháp luật về thuế.

- Bản sao chứng thực CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn.

Bước 4: Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định pháp luật về đất đai.

Các trường hợp không có sổ đỏ vẫn thực hiện được việc mua bán

- Người nhận thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp Sổ đỏ nhưng được quyền bán cho người khác.

- Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền bán đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;

- Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền bán khi có điều kiện để cấp sổ đỏ (chưa cần có sổ).

Tác giả: Mộc