Không chỉ chờ đến Tết mà phật thủ được bán quanh năm và lúc nào cũng đắt như tôm tươi. Ngày mồng 1, ngày rằm và những dịp lễ người dân đã quen phải mua quả phật thủ bày trên ban thờ.
Vào những ngày cuối năm này, nhiều người săn lùng những quả phật thủ có hình dáng đẹp, có giá trị cao để làm quà biếu hay đơn giản là trưng bày trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Theo quan niệm xưa, phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ. Mọi người thờ phật phủ với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, phồn thịnh về của cải, sức khỏe…
Tuy nhiên, cách chọn quả phật thủ để bày ban thờ ngày Tết sao cho đẹp nhất, lộc nhất thì không hẳn ai cũng biết. Đồng thời, tùy theo khí hậu và đặc trưng vùng miền mà mỗi nơi lại chọn quả phật thủ khác nhau. Người miền Bắc chọn phật thủ chín vàng để cúng vì sắc màu nổi bật của nó sẽ giúp mang lại sự may mắn, an khang. Trong khi đó, người miền Nam sẽ chọn quả màu xanh bởi họ cho rằng nó là biểu tượng của sự tươi mới, nảy lộc.
1. Chọn phật thủ nhiều tai
Quả phật thủ giống như bàn tay đức Phật, luôn dang tay che chở cho số phận con người. Vì vậy, quả phật thủ đẹp là trái có nhiều ngón tay, mỗi quả có khoảng 20 – 30 trái. Nên lựa quả có ngón tay tỏa tròn đều như hình bông hoa, các ngón vòng ngoài cùng trùng với số đẹp (8, 9) thì sẽ có giá trị cao.
Đồng thời, nên chọn mua quả to, ngón tay phật thủ dài mập, đều nhau. Quả có da trơn, màu sắc tươi mới để giữ được lâu và thơm hơn.
2. Tuân theo quy luật “Thịnh – Suy – Bĩ – Thái”
Nếu ai thường xuyên mua phật thủ sẽ biết đến luật này. Nghĩa là khi chọn, người ta đếm các ngón tay quả phật thủ lần lượt từ Thịnh – Suy – Bĩ – Thái, lặp đi lặp lại tới ngón cuối cùng là Thịnh hoặc Thái thì mới là tốt, nên mua. Những quả như thế thường rất đắt, phải tính bằng tiền triệu đồng.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý một số điều sau:
- Tránh mua quả bị xước sát, bị sâu đục khoét, bị dập hoặc gãy các ngón phật thủ. Không chọn phật thủ non dù chúng cũng có màu vàng nhưng lại rất nhanh hỏng. Một quả phật thủ trưởng thành thì các túi tinh dầu tròn trịa, cách đều nhau, căng mọng, bề mặt quả rắn và cứng.
- Bày ban thờ ngày Tết cũng không nên chọn loại quả phật thủ quá chín, vàng sậm và da nhăn nheo thì không bảo quản được lâu.
- Để tránh phật thủ hỏng nhanh, không nên rửa hoặc ngâm phật thủ trong dịch muối. Bởi khi nước đọng trong các khe ngón của quả rất dễ tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển phá huỷ vỏ quả gây thối rữa. Bạn chỉ nên dùng khăn ẩm lau.
- Muốn giữ quả phật thủ để ban thờ Tết được đẹp, lâu thì cứ khoảng 5−7 ngày, bạn có thể dùng rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả. Khi đặt trên bàn thờ, bạn có thể để một bát nước, cho thêm vài viên thuốc B1 vào sau đó đặt phật thủ vào bát nước sẽ giúp phật thủ tươi rất lâu.
Tác giả: