Nam sinh Hà Nội hít 20 quả bóng cười mỗi ngày phải vào viện điều trị gấp. Bóng cười nguy hiểm như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - 'Bóng cười' được một số người sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Tuy nhiên, lạm dụng hít 'bóng cười' có thể gây tác hại khôn lường. Trường hợp của nam sinh ở Hà Nội là một lời cảnh tỉnh cho giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung về tác hại của bóng cười.

 Nam thanh niên nghiện... bóng cười

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho 2 nam thanh niên nghiện bóng cười. Bóng cười thực chất là những trái bóng bay được bơm khí N2O.

Trong đó có trường hợp nam sinh Nguyễn Tân Thanh, 21 tuổi, Hà Nội. Thanh bắt đầu hít bóng cách đây 2 năm do được bạn mời, sau đó “nghiện” dần, chủ động hít.

Để có thể thoải mái chiêu đãi bạn bè, nam sinh này thường mua hẳn bình khí N2O 5 kg trị giá 1,1 triệu đồng về tự bơm. Lượng khí này bơm được 50 quả lớn hoặc hơn 100 quả nhỏ.

Nam thanh niên tự mua bình N2O về rồi tự bơm vào bóng bay

6 tháng trở lại đây, hầu như ngày nào Thanh cũng hít 20 quả bóng cười mỗi ngày. Gần đây, nam thanh niên thấy tay chân yếu dầu nên đi khám, cuối tuần qua, được chuyển đến Trung tâm chống độc điều trị trong tình trạng tổn thương thần kinh, tổn thương tủy sống, tê bì 2 chân.

BS Nguyên cho biết, những trường hợp dùng bóng cười đơn thuần phải nhập viện điều trị như Thanh không nhiều, thay vào đó là các ca dùng bóng cười phối hợp với các loại ma túy thế hệ mới, ngày nào cũng có bệnh nhân mới nhập viện.

Sau hít, bóng cười sẽ làm cơ thể phấn khích, vui vẻ, sảng khoái, tuy nhiên cảm giác này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Sau ngưng sử dụng, người dùng sẽ thấy mệt, trằn trọc, bồn chồn, lơ đãng, chán chường, ngủ li bì. Khi tăng cấp độ và sử dụng thường xuyên, bóng cười có thể gây loạn thần.

Tác hại ghê gớm của báng cười

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: Chất khí được bơm vào "bóng cười" chính là “khí cười” (N2O) có tên quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide.

Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều có thể gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ

Nitrous oxide được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác. Cũng do hiệu quả gây mê yếu và ngắn nên N2O được ưa chuộng trong nha khoa và sản khoa (sinh thường).

Việc sử dụng thường xuyên “khí cười” thì có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.

Dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật. Ngoài ra loại khí này cũng gây rối loạn cảm giác, ức chế tủy sống gây thiếu máu do suy tủy. Với nam giới, hít bóng cười thường xuyên sẽ làm giảm sản sinh tinh trùng, nữ giới dễ bị sảy thai.

Bên cạnh đó, “trong gây mê, khi dùng N2O cần có một lượng O2 pha chung để tránh bị ngạt thở. Đây là điều mà các "khí cười" đang có trên thị thường có thể không có nên người hít khí N2O có nguồn gốc phi y tế có thể bị ngạt”, bác sĩ Hiển giải thích

Tác giả:

Tin nên đọc