Nấu canh lỡ cho nhiều muối, thêm thứ này để giảm độ mặn
- Sử dụng giấm hoặc nước chanh tươi
Với các món ăn bị mặn, nếu không muốn thêm nước, bạn có thể sử dụng giấm hoặc nước cốt chanh tươi để trung hòa lại độ mặn. Nên cho gia vị từ từ để nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại quả chua khác để cho vào canh, giúp giảm độ mặn.
Nếu sử dụng cà chua, bạn chỉ cần cắt nó thành các lát dày rồi cho vào nồi canh. Ngâm khoảng 15 phút để cà chua hút bớt muối. Cà chua có vị chua dịu nên khả năng giảm mặn sẽ không bằng các chất chua khác như chanh, giấm nhưng lại ít làm ảnh hưởng đến hương vị của các món canh. Bạn có thể sử dụng cách này để giảm độ mặn của canh mà không cần thêm nước.
- Sử dụng lòng trắng trứng
Với các món canh bị mặn, bạn cũng có thể thêm lòng trắng trứng để trung hòa lại hương vị.
Hãy lấy lòng trắng trứng còn nguyên, không đánh tan và cho vào nồi. Nấu sôi trong khoảng 5 phút rồi vớt ra. Làm như vậy, vị mặn trong món ăn sẽ giảm đi đáng kể mà hương vị không bị ảnh hưởng.
Tùy theo lượng canh mà dùng lượng lòng trắng cho phù hợp.
- Sử dụng đường, mật ong
Đường, mật ong có thể cân bằng lại vị mặn của món ăn, tạo ra vị ngọt dịu. Bạn chỉ cần thêm đường hoặc mật ong một cách từ từ vào canh, súp hoặc món kho rồi nêm nếm lại cho vừa khẩu vị là được.
- Dùng khoai tây
Với các món canh, món xào bị mặn, hãy cho khoai tây tươi thái lát mỏng vào đảo nhẹ rồi để ít nhất 15 phút. Khoai tây sẽ hút bớt muối, làm giảm mặn cho món ăn. Sau đó, vớt khoai tây ra và thêm một chút mì chính/bột ngọt vào để trung hòa hương vị.
Lưu ý khi nêm nếm gia vị cho các món ăn
Khi nêm muối, bạn nên cho từ từ từng chút một để đảm bảo không thêm quá nhiều khiến món ăn bị mặn. Giai đoạn thích hợp để nêm muối là khi nước bắt đầu sôi và khi thực phẩm chuẩn bị chín. Với các món kho, nướng, nguyên liệu nên được ướp muối từ trước để có thời gian ngấm gia vị.
Với nước mắm, bạn nên cho vào khi thực phẩm đã chín hoặc tắt bếp để không khiến món ăn có mùi nồng. Với món kho, nướng, có thể ướp thực phẩm với nước mắm.
Với hạt nêm, nên cho vào giai đoạn khi nước bắt đầu sôi, thực phẩm chuẩn bị chín nếu nấu các món canh, món xào. Với món kho, nướng, nên ướp thực phẩm với hạt nêm để gia vị ngấm tốt hơn.
Với mì chính, nên thêm vào khi thực phẩm đã chín và tắt bếp.
Với đường, nếu nấu canh, hãy cho vào khi canh đã hoàn thành và tắt bếp. Với món kho, có thể thêm đường lúc ướp gia vị. Với món nướng, hạn chế thêm đường vì đường dễ cháy khét khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lúc nấu.
Tùy theo món canh mà bạn sẽ lựa chọn cách thêm gia vị mặn này cho phù hợp khẩu vị.
Như vậy, có rất nhiều cách khác nhau để chữa mặn cho các món canh mà không cần thêm nước. Tùy vào món canh cụ thể mà bạn đang nấu, hãy cân nhắc loại nguyên liệu, gia vị thêm vào cho phù hợp, đảm bảo không làm biến đổi hương vị của món ăn, gây khó ăn. Trong quá trình nấu, nếu không quen, bạn nên nêm nếm từng chút gia vị để tránh tình trạng nêm quá tay và phải tìm cách "chữa cháy" về sau. Ngoài ra, chú ý đến việc nêm nếm gia vị ở các giai đoạn phù hợp trong lúc nấu cũng giúp món ăn có hương vị hoàn chỉnh hơn, thơm ngon hơn.
Tác giả: Nguyệt Tú