Nếu bản tính vốn thanh tịnh thì bụi bặm dính nơi nào?

( PHUNUTODAY ) - Đời vốn nhiều tạp khí nhưng nếu bản thân vốn thanh tịnh thì hỏi bụi bặm sao dính vào được? Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, mọi việc đều do chúng ta mà thôi.

Mặc dù tâm như đài gương sáng, trong sạch, tinh khiết, thuần nhất nhưng nếu ta cứ để cho lòng tham lam, ích kỷ, hờn giận, si mê, ghen ghét, hận thù chen vào thì sẽ dẫn đến tranh đấu, giành giật, tìm cách sát phạt, triệt buộc lẫn nhau để vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho người và vật.

Tâm si mê, mù quáng do thấy biết sai lầm nên đưa thân đi tới những hành động nông nổi, thấp hèn mà tạo nghiệp tày trời làm khổ đau nhân loại. Tâm nóng giận, hờn mát dẫn đến ăn không tiêu, khó ngủ, lâu ngày phát sinh bệnh suy nhược thần kinh. Bởi vậy, tâm là chủ nhân của bao điều họa phúc, thiện ác, nên hư, thành bại trong cuộc đời.

Chính vì thế, muốn thân đứng vững mà không làm các việc xấu ác để sống lâu dài thì phải an tâm. Tâm an thì họa trở thành phúc, ngu trở thành trí, khổ đau phiền muộn trở thành an lạc hạnh phúc.

Tâm không an thì họa khổ đau sẽ làm cho thân dễ bị nghiêng ngã. Cho nên từ xưa đến nay các bậc hiền thánh đều tu tâm trước rồi mới lập thân, nhờ đó mà thân đứng vững vàng để đi vào đời làm lợi ích cho tha nhân mà không bị dòng đời cuốn trôi. Ngài Thần Tú cũng vì thế mới chỉ dạy phải luôn luôn dọn dẹp phiền não tham-sân-si, muốn vậy ta phải siêng năng lau chùi bụi bặm bám dính đầy nơi thân.

Làm người ai cũng có tham, sân, si và cũng có những đức tính lương thiện từ, bi, hỉ, xả, tính nào nhiều thì trở thành thói quen tính ấy.

Bản tính vốn thanh tịnh thì dính bụi bặm nơi nào? Chỉ vì chúng ta nhiễm thói xấu lâu ngày, đã là tiêm nhiễm thì không phải tự tính, không phải chân thật. Mọi người đều có thể sửa đổi tính xấu trở thành tính tốt, chỉ là mình có chịu làm hay không mà thôi.

Cổ đức dạy: “Giang sơn dễ đổi, tính người khó sửa”.

Vì nguyên nhân tập khí nặng nề, nhưng không phải là không sửa được. Nếu chúng ta có trí tuệ, nỗ lực tu hành sửa đổi thì tính nết gì cũng thay đổi được. Chúng ta sửa đổi thói xấu thì mới ra khỏi sáu đường sinh tử. Cho nên thói xấu không là cố định, cũng không phải không sửa được. Chúng ta cần dựa theo trí huệ để nhìn thấy rõ phá trừ, phải nỗ lực tu hành. Khi ấy thiên hạ thái bình, thoát khỏi luân hồi, được tự tại.

Tác giả:

Tin nên đọc