Trong cuộc sống, tưởng rằng khi chúng ta cầm tiền thì chúng ta mới là chủ, đồng tiền chỉ là vật vô tri vô giác làm sao làm chủ được? Nhưng nếu xem xét kĩ, rất ít người làm chủ được đồng tiền.
Bị sự cố "cắt" điện trong vài ngày qua và trải qua một vài chuyện, gần như cảm thấy đủ mọi cảm giác : cô đơn, thất vọng, tuyệt vọng, hi vọng để rồi thất vọng,...- đi lang thang qua từng con phố để xua tan cái cảm giác đó nhưng bỗng nhận ra rằng mọi cảm giác đó đều bắt nguồn vì một lí do rất đơn giản "đầu tiên" là "tiền đâu". Nhớ một câu nói trong tản văn của Lỗ Tấn :"Con người rất dễ trở thành nô lệ". Vâng, đồng tiền đang là chủ và tôi là nô lệ của đồng tiền.
Có nhiều người lầm tưởng rằng muốn thoát khỏi sự nô lê của đồng tiền thì phải có thật nhiều tiền, họ làm những việc trái với lương tâm, luật pháp hoặc đổi lấy hạnh phúc của mình để có thật nhiều tiền, nhưng làm như vậy không giải quyết được tận gốc vấn đề, làm như vậy chỉ khiến họ có tiền chứ không khiến họ thoát khỏi lệ thuộc vào đồng tiền. Hoặc có những người phó mặc, làm quần quật cả ngày để có tiền "bươn trải" cho cuộc sống nhưng trong tương lai, khi đã có tuổi, liệu rằng có thể "bươn trải " tiếp tục với sức khỏe bị hao mòn?
Vậy làm sao để vượt qua được vấn đề này? Chỉ có thể nói là khi bạn làm chủ đồng tiền-bắt nó làm việc 24/24 thì lúc đó bạn chẳng bận tâm gì về mặt tiền bạc. Đây là câu chuyện ý nghĩa bạn nên đọc về giá trị của đồng tiền:
Khi Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng đại đệ tử A Nan Ðà từ núi Thứu đi xuống kinh thành khất thực. Ði giữa đường, ngang qua một bờ lở, Ngài thấy một lọ vàng.
Ðức Phật dừng lại bảo A Nan Ðà rằng: “Này A Nan Ðà! Người có thấy đây là một loài rắn độc không?”.
Ngài A Nan Ðà cung kính bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, thật là một loài rắn độc đáng sợ hãi”.
Có chàng tiều phu đứng gần nghe vậy, tưởng có gì độc thật vội vàng đến xem. Anh ta đến, thấy một chiếc lọ niêm phong cẩn thận, bèn mở ra xem. Toàn vàng là vàng. Anh ta mừng rỡ, cười thầm Đức Phật và đệ tử của Ngài không biết dùng thứ ấy, còn cho nó là rắn độc. Đoạn, anh ta cẩn thận, hớn hở mang về. Trước khi đem về, anh ta sung sướng la lên rằng:
“Tôi xin nguyện con rắn độc này luôn luôn cắn tôi và cắn cha mẹ, vợ con, quyến thuộc tôi. Tôi không cảm thấy đau đớn gì hết”.
Anh chàng tiều phu kia trở nên một người trưởng giả giàu có kiêu sa: nào là nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ, bò trâu, xe cộ, cực kỳ sung túc và lộng lẫy. Làng xóm thấy vậy đâm ra nghi kỵ, không biết anh vì sao giàu sang đột ngột như vậy?
Tiếng đồn vang đến tai vua A Xà Thế. Vua cho sứ giả đến hỏi: “Có phải được của kín nhà vua chăng?”. Anh ta ấp úng trả lời: “Tôi giàu là tôi giàu; tôi cũng không được chi của nhà vua cả”.
Sứ giả về tâu lại. Vua cho gọi đến hỏi. Anh cũng ấp úng trả lời như cũ. Cho là người gian, vua ra lệnh tịch thu gia tài điền sản, bắt anh ta và tất cả bà con quyến thuộc đem đi hành hình.
Khi đi giữa đường anh ta khóc lóc, buồn bã và la lớn rằng: “Ngài A Nan Ðà ơi! Thật là một thứ rắn độc! Rắn độc nó đang cắn tôi và cắn bà con của tôi đây”…
Kỳ thực, tiền bạc không nhất thiết luôn mang lại tai hoạ cho con người như loài rắn độc. Là hoạ hay là phúc, tuỳ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng cho mục đích gì, đối đãi chúng với thái độ thế nào. Nếu tiền bạc chỉ để thoả mãn lòng tham dục, khuếch trương tâm ngạo mạn và ích kỷ, thì “miệng ăn núi lở”, phúc phận chẳng thể dài lâu mà ác báo đã chực chờ. Còn nếu một người giàu có đức hạnh, dùng tài vật để bố thí, tạo phước cho chúng sinh, thì chính là đang không ngừng gieo nhân thiện, sẽ hưởng phước lành vô lượng.
Tác giả: