Tiềm năng của ngành học Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông trong năm 2025
Với sự bùng nổ của công nghệ và sự phổ cập của các thiết bị điện tử, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông đã thu hút sự chú ý của đông đảo các thí sinh trong những năm qua.
Ngành học này tích hợp các công nghệ tiên tiến để phát triển các thiết bị như vệ tinh, cáp cùng những sản phẩm điện tử như máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân và máy tính bảng… Từ đó, tạo dựng nên một mạng lưới thông tin liên lạc toàn cầu, giúp con người dễ dàng trao đổi thông tin bất kể không gian, thời gian.
Nhu cầu về thông tin và truyền thông đang trở thành yếu tố thiết yếu trong đời sống hiện đại. Con người không thể thiếu các thiết bị hỗ trợ như thông tin vệ tinh, hệ thống truyền dẫn quang học, phát thanh, truyền hình và điện thoại. Tất cả những yếu tố này kết nối với nhau tạo thành một mạng lưới thông tin toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, song vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng trong ngành này. Điều đó khiến cho khối ngành kỹ thuật, tiêu biểu là Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông trở thành lựa chọn ưu việt cho những sinh viên trẻ, đầy năng lượng và đam mê với khoa học công nghệ.
Mức lương hấp dẫn lên đến 70 triệu đồng/tháng, hàng loạt công ty đang "săn lùng" tài năng sau khi tốt nghiệp
Theo thống kê hiện tại, ngành điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin có hơn 50.000 nhân lực. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM dự đoán rằng, trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu cần nhân lực cho ngành này sẽ rất lớn, có thể đạt tới 16.000 người mỗi năm. Mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường thường nằm trong khoảng 9 - 15 triệu đồng, và thậm chí có thể vượt qua ngưỡng 30 - 70 triệu đồng/tháng khi đảm nhận các vị trí quản lý, chuyên gia hoặc làm việc tại các công ty nước ngoài.
Một nghiên cứu về việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy lao động trong ngành chủ yếu tham gia vào các vị trí như thợ lắp ráp và vận hành máy móc, cũng như thợ thủ công có kỹ năng. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của nguồn lao động trong ngành Điện tử - Truyền thông đang khá thấp, với hơn 50% chưa sở hữu bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội đảm nhiệm các vị trí như:
- Chuyên viên tư vấn, thiết kế và điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, truyền hình, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và di động, cũng như các công ty dịch vụ kỹ thuật điện tử viễn thông.
- Chuyên viên thiết kế, quy hoạch và tối ưu mạng tại các nhà mạng viễn thông.
- Chuyên viên thiết kế hệ thống truyền dẫn, vận hành và bảo trì tại các công ty điện tử, viễn thông và các công ty sản xuất phần mềm trên thiết bị di động.
Ứng viên có thể đảm nhận vị trí Giám đốc kỹ thuật hoặc Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty trong lĩnh vực điện tử, viễn thông hay truyền thông, nếu sở hữu tố chất và dày dạn kinh nghiệm.
Để theo đuổi ngành Kỹ thuật Công nghệ Điện tử - Truyền thông, các bạn trẻ cần có nền tảng kiến thức vững chắc về thiết kế, chế tạo, khai thác, vận hành và bảo trì các thiết bị và hệ thống truyền thông. Điều này bao gồm mạng truyền số liệu, mạng di động, mạng vệ tinh, thông tin quang, phát thanh - truyền hình, và hệ thống định vị toàn cầu. Họ cũng cần nắm rõ các công nghệ phân tích và xử lý âm thanh, hình ảnh, cùng với khả năng thiết kế, chế tạo và lập trình các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị kỹ thuật số cá nhân (PDA), và thiết bị dẫn đường.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), và Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Dựa trên phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông yêu cầu 25,75 điểm, Đại học Bách khoa Hà Nội 27,03 điểm, và Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đạt 18 điểm. Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông tại Đại học Bách Khoa TP. HCM thuộc nhóm ngành Điện – Điện tử, với hai chương trình đào tạo: chương trình tiêu chuẩn và chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh. Điểm chuẩn cho chương trình tiêu chuẩn là 80,03 điểm, trong khi chương trình tiên tiến yêu cầu 76,71 điểm.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Top ngành học ‘hái ra tiền’: Sinh viên mới ra trường lương chục triệu đồng/tháng
-
3 ngành học thu nhập 50 triệu đồng/tháng, ngành số 1 ra trường chẳng lo thất nghiệp
-
3 ngành nghề cho thu nhập lên tới 100 triệu đồng/tháng, là xu hướng trong 5-10 năm tới
-
Ngành học được Bộ GD&ĐT ưu ái, cơ hội việc làm dồi dào, thu nhập lên tới 2 tỷ/năm
-
Ngành học 'hot' nhất 5 năm tới: Lương 30 triệu/tháng, dễ xin việc, cơ hội thăng tiến rộng mở