Từ thập niên 2000 trở về sau, ngành stylist được coi là một nghề khá “hot”. Người làm công việc này sẽ tham vấn trực tiếp cho khách hàng của mình (gồm MC, diễn viên, ca sĩ, doanh nhân,… người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, coi hình ảnh và diện mạo là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công). Nếu như nhà thiết kế thời trang làm việc với những bản vẽ và vải vóc thì stylist là người làm việc với những bộ trang phục đã được hình thành.
Qua đó, stylist giúp khách hàng chọn kiểu tóc, trang phục, cách trang điểm sao cho phù hợp nhất với từng hoàn cảnh mà họ tham gia. Công việc này giúp họ thỏa sức sáng tạo trong lĩnh vực thời trang, thổi hồn vào từng bộ trang phục của mình. Stylist có thể chia làm nhiều mảng: Stylist thương mại (Commercial Stylist) – những người làm công việc ở các công ty truyền thông – quảng cáo; Stylist cá nhân (Personal stylist) – những người có trách nhiệm tư vấn và định hình phong cách thời trang cho một cá nhân; Stylist thời trang (Fashion/editorial stylist) làm việc lên ý tưởng về những bộ trang phục cho khách hàng hoặc đối tác của tạp chí, báo chí,…
Hiện nay, các stylist có kinh nghiệm cũng bắt đầu đảm nhiệm thêm vai trò giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên hay những người muốn được tiếp nhận kiến thức chuyên môn về công việc này.
Công việc này có mức thu nhập khá cao và linh động về thời gian. Theo người trong nghề tiết lộ, một stylist chuyên nghiệp, chăm chỉ, nhiều mối quan hệ có thể có mức thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mức lương của stylist cá nhân cũng phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng, mức độ “nổi tiếng” của stylist đó trong nghề, kinh nghiệm và năng lực của họ. Nếu chăm chỉ làm việc thì người làm nghề stylist có rất nhiều cơ hội nâng cao mức thu nhập của mình.
Khảo sát cho thấy một stylist mới “vào nghề” có thể thử sức ở các vị trí học việc tài các đài truyền hình, báo chí, công ty truyền thông quảng cáo. Mức lương khởi điểm khoảng 8 – 15 triệu đồng/tháng. Sau khi có một background đẹp cho chiếc hồ sơ xin việc của mình, stylist có thể thử làm độc lập (stylist cá nhân) và nhận làm việc với các khách hàng nhỏ (KOL, người mẫu, doanh nhân),… với mức lương vài chục triệu đồng. Khi đã có danh tiếng, bạn có thể trở thành stylist độc quyền của các ngôi sao nổi tiếng, các hãng thời trang danh tiếng hoặc mở thương hiệu thời trang của riêng mình.
Ở Việt Nam hiện chưa có bất kỳ một trường đại học hay cao đẳng chính quy nào đào tạo nghề stylist nhưng bạn có thể theo học một số ngành có liên quan đến thời trang, thiết kế đồ họa hoặc các ngành liên quan đến mỹ thuật. Hoặc bạn có thể tham gia học tại các học viện của các stylist nổi tiếng trong nghề.
Để trở thành một stylist, một sinh viên ngành thời trang cần có lượng kiến thức nền tốt, đình hình phong cách thời trang mang màu sắc của riêng mình. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang mới nhất, đón đầu những xu hướng sắp đổ bộ thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Mạng xã hội, trang web, TV, radio,…
Công việc hấp dẫn là vậy nhưng bạn cũng phải chịu được áp lực, nhiều deadline, sự cẩn trọng của stylist là luôn phải biết giữ gìn trang phục mượn từ thương hiệu và các nhà thiết kế. Nghề này cũng đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng và nắm bắt được những xu hướng thời trang một cách nhạy bén đồng thời nắm bắt được rõ thông tin về đối tượng khách hàng của mình. Việc làm việc với các ngôi sao nổi tiếng, bạn không chỉ làm hài lòng chính họ mà còn có khán giả, người hâm mộ, các nhà đánh giá,…
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
5 ngành nghề điểm đầu vào cao chót vót: Nhưng ra trường khó xin việc, lương "3 cọc, 3 đồng" không đủ nuôi thân
-
6 ngành nghề lương cao nhất Việt Nam hiện nay: Ra trường 2 năm là mua nhà tậu xe đơn giản
-
9 nghề lương cao nhất Việt Nam hiện nay: Lương đủ sức mua nhà, sắm xe nhiều người mơ ước
-
6 ngành nghề dễ xin việc nhất 5 năm tới: Số 2 không cần bằng cấp lương vẫn rất cao
-
5 nghề luôn 'khát nhân lực' ra trường lương khởi điểm cao chót vót, sinh viên không lo thất nghiệp