Ngày vía Thần Tài là gì?
Ở Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, Thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc cho gia chủ. Người dân Việt Nam, đặc biệt là những người kinh doanh, thường làm lễ cúng ông Thần Tài để cầu năm mới mua may bán đắt, cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Hằng năm, ngày vía Thần Tài diễn ra ngày mùng 10 tết (ngày mùng 10 tháng giêng Âm Lịch). Còn ngày Thần Tài 2019 rơi vào thứ Năm, ngày 14/2.
Tục thờ Thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc, và du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Nhiều câu chuyện xoay quanh phong tục này liên quan đến nguồn gốc và sự tích của Thần Tài.
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Đây là câu chuyện xung quanh nguồn gốc của ông Thần Tài mà nhiều người biết nhất. Chuyện kể rằng trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi từ thiên đình xuống trần gian, đầu va vào đá nên nằm mê mệt. Đến khi tỉnh dậy, ông thấy quần áo bị lột sạch, và do mất trí nhớ nên ông không nhớ bản thân là ai.
Thần Tài đi khắp nơi để xin cơm. Mỗi khi Thần Tài vào quán nào ăn thì khách kéo đến quán đó nườm nượp. Mọi người thấy vậy nên cố gắng mời Thần Tài đến quán của họ. Câu “Thần Tài gõ cửa” ra đời từ đó.
Để tưởng nhớ, người ta chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời: Mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Vào ngày này, nhiều gia đình, công ty, cửa hàng… sắm lễ vật để cúng vía Thần Tài, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn thịnh vượng. Vậy ngày vía thần tài 2019 là ngày nào? Ngày Thần Tài 2019 này sẽ rơi vào thứ Năm ngày 10 tháng Giêng Âm lịch (tức vào ngày 14/02/2019). Đó là ngày Nhâm Ngọ, tháng Bính Dần, năm Kỷ Hợi.
Những việc nên làm trong ngày Thần Tài để đón được nhiều tài lộc
Lau dọn bàn thờ Thần Tài
Hiện nay, tại các cửa hàng kinh doanh đều thấy có bàn thờ Thần tài. Bàn thờ Thần tài thường được đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính. Bàn thờ là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần Tài.
Trước bài vị là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu. Có người còn đặt thêm đĩa muối và gạo.
Dân gian quan niệm, trước khi cúng Thần Tài, nên lau dọn bàn thờ Thần Tài cẩn thận. Cần tẩy trần bằng nước lá bưởi hay dùng một cái thau sạch sẽ chỉ chuyên dùng tắm rửa, tẩy uế... đổ nước sạch và pha một tí rượu trắng để tắm rửa cho Thần Tài và ông Địa. Tiếp đó, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng bàn thờ của hai ông.
Cúng vía Thần Tài
Ngày thường, tùy vào điều kiện của từng gia chủ có thể cúng chay hoặc cúng mặn. Thông thường nhiều người cúng hoa quả. Tuy nhiên, trong ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng hằng năm), nên cúng mặn. Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày, rượu…
Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng. Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Bên cạnh đó người làm lễ cúng thần tài cũng phải ăn mặc chỉnh tề, giọng nói trang nghiêm, đọc văn khấn vía thần tài.
Bài cúng ngày vía ông Thần Tài
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương
Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Con kính lạy Thần tài vị tiền
Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này
Tín chủ con là.............................................
Ngụ tại......................................................
Hôm nay là ngày.......tháng.......năm Kỷ Hợi
Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Những lưu ý khi cúng vía Thần Tài
- Hương: Có thể thắp hương vào buổi sáng hoặc buổi tối, quan trọng là chọn giờ tốt để cúng lễ hoặc ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ dàng hơn.
- Nước: Cần rửa sạch chén và chỉ một chén nước là đủ. Nước dùng để thắp hương không nên rót quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm.
- Hoa: Gia chủ có thể sử dụng bình hoa bằng thủy tinh hoặc gốm sứ. Nên lựa chọn hoa tươi, có nụ, có hương thơm, tuyệt đối không dùng hoa giả để làm lễ.
- Quả: Không dùng quả nhựa, quả nhân tạo để làm lễ, nên chọn quả tươi ngon, còn nguyên vẹn, như táo, lê, chuối, cam…
- Đèn, nến: Sử dụng đèn thật như đèn dầu, nến, không dùng đèn điện, đèn nhấp nháy vì tạo khí trường xấu, ảnh hưởng tới việc thờ cúng.
- Gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được rãi ra ngoài.
- Rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào.
- Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.
Mua vàng
Một số người còn mua vàng về đặt lên bàn thờ của Thần Tài, cúng xong mang theo vàng đó bên mình với hi vọng gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Người ta tin rằng mua vàng trong ngày vía Thần Tài và cất vàng trong két, trong ví hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ sẽ mang lại tài lộc, sung túc cho cả năm.
Theo các chuyên gia, khi đi mua vàng ngày Thần Tài phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng để mua được vàng đủ tuổi. Bởi vì vàng đủ tuổi thì cát khí mới mạnh, ngụ ý tiền tài viên mãn – phúc lộc dồi dào. Riêng với vàng miếng thì cần phải có số seri.
Nếu bạn mua vàng chỉ để cầu may, và đeo như một vật phẩm hộ mệnh thì có thể mua những sản phẩm hợp tuổi, hợp mệnh. Còn nếu muốn bán mà không bị lỗ thì nên mua vàng nhẫn tròn trơn hoặc vàng miếng.
Tác giả: