Nghe điện thoại khi đang lái xe máy có bị CSGT thổi phạt không?

( PHUNUTODAY ) - Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe máy đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi và lo ngại về an toàn giao thông.

Có được nghe điện thoại khi đang lái xe máy không?

Nghe điện thoại khi điều khiển xe gây mất tập trung, nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Những hành vi người lái xe máy không được thực hiện được quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy...

3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông....

Theo đó, người đang lái xe máy không được sử dụng điện thoại di động.

Nghe điện thoại khi đang lái xe máy thì bị phạt bao nhiêu tiền? Có bị tước bằng lái xe hay không?

Mức xử phạt đối với người nghe điện thoại khi đang lái xe máy được quy định tại điểm h khoản 4, điểm b, c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, điểm b khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ...

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

b) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;

c) Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 3 Điều này;

d) Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

e) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính....

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:...

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;...

CSGT sẽ thổi phạt với những trường hợp vi phạm

Theo quy định trên, người nghe điện thoại khi đang lái xe máy thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Trường hợp người này nghe điện thoại khi đang lái xe máy mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Tác giả: Mộc