Dưới sức ảnh hưởng của Phật giáo, khắp nơi trên lãnh thổ Trung Hoa đã hình thành không ít những ngôi miếu có niên đại từ rất lâu đời. Trong số đó, ngôi miếu sở hữu giai thoại ly kỳ hơn cả phải kể tới Trịnh Quốc tự - nơi có tới 15 bức tượng Phật được làm từ di thể của các cao tăng đắc đạo.
Trong ấn tượng của đa số chúng ta, những bức tượng Phật từ cổ chí kim dù có hiếm lạ tới đâu thì vẫn thường được làm từ đất sét hoặc độc đáo hơn là được chế tác từ các kim loại quý. Thế nhưng sự thực là lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận sự xuất hiện của số ít các pho tượng được làm từ chính "nhục thân" của các vị cao tăng đắc đạo.
Việc đem di thể thiền sư làm thành tượng thờ cũng có thể xem như một hành động công nhận họ đã đắc đạo thành Phật. Đây được coi là một vinh dự vô cùng lớn đối với những người tu hành mà chỉ số ít cao tăng mới may mắn có được.
Những bức tượng Phật đặc biệt này vốn không có nhiều ở Trung Quốc, và Trịnh Quốc tự lại là nơi hiếm hoi sở hữu số lượng lên tới 15 pho tượng. Ngôi miếu này tọa lạc trên ngọn núi Miên Sơn, thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây – Trung Quốc ngày nay.
Là một vùng đất sở hữu lịch sử lâu đời và ít bị tàn phá bởi chiến tranh, tỉnh Sơn Đông giờ đây vẫn còn lưu giữ được rất nhiều văn vật lịch sử quý giá. Và những bức tượng Phật được chế tác từ di thể con người ở Trịnh Quốc tự cũng nằm trong số đó.
Ngôi miếu ấy vốn tọa lạc ở một địa phận tương đối vắng vẻ, hoang vu. Khi được tìm thấy và tiến hành tu sửa, cơ sở vật chất của nơi này vốn đã rất hoang tàn, cũ nát. Thế nhưng điều kỳ lạ là 15 bức tượng Phật thờ phụng tại đây lại được bảo quản nguyên vẹn tới mức khó có thể tin được.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các pho tượng được thờ phụng trong Trịnh Quốc tự đã có niên đại hàng thế kỷ, thậm chí còn có bức tượng còn sở hữu tuổi đời lên tới cả ngàn năm.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, những bức tượng tại đây đều được chế tạo dựa trên "nhục thân" của các vị cao tăng đã đắc đạo. Hơn nữa dù đã trải qua bao năm tháng với nhiều biến động của lịch sử, những văn vật quý giá ấy vẫn bảo trì được dáng vẻ ban đầu, ngay tới dáng ngồi, nét mặt của các đại sư vẫn còn sống động như lúc họ mới viên tịch.
Đã từng có giai đoạn người ta không khỏi bàn tán xôn xao và thêu dệt nhiều giai thoại quỷ dị liên quan tới 15 bức tượng người ở Trịnh Quốc tự. Để có thể tìm ra câu trả lời chính xác nhằm bác bỏ những tin đồn thất thiệt đó, các chuyên gia đã tìm tới tận ngôi miếu ấy để tiến hành nghiên cứu và kiểm định các bức tượng.
Và kết quả khảo cứu đã khiến cả đội ngũ chuyên gia và dư luận đều không khỏi kinh ngạc. Bởi lẽ việc 15 bức tượng này được chế tác từ thân xác con người hoàn toàn là sự thật.
Theo đó, trước khi viên tịch tại nơi này, các cao tăng thực chất cần chuẩn bị rất nhiều thứ, ví dụ như vị trí ngồi thiền, thức ăn và nước uống để cầm cự qua giai đoạn đầu, cùng với đó là các thảo dược Trung y.
Khi đã tiến đến giai đoạn không cần nạp thêm thực phẩm vào cơ thể, họ sẽ chỉ uống một thứ nước gọi là "thánh thủy". Cuối cùng, khi thân thể đã được thanh lọc sạch sẽ, những vị cao tăng này sẽ không cần uống nước mà ngồi thiền cho tới khi hô hấp tự nhiên ngừng lại, đó cũng là lúc họ đã viên tịch.
Nhờ có nghị lực phi thường và đức tin sâu sắc vào tín ngưỡng mà mình đã theo đuổi, di thể của các vị cao tăng ấy trải qua một thời gian dài cũng không bị mục ruỗng.
Nếu giải thích dựa trên góc độ khoa học, việc "nhục thân" của họ không bị phân hủy là nhờ vào những loại thảo dược được dùng trước lúc viên tịch. Bên cạnh đó, quá trình thiền định tách rời dần với việc ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân giúp thân xác của họ không bị thối rữa.
Sau khi đã về miền cực lạc, di thể của các vị cao tăng ấy sẽ được một số môn đồ và Phật tử tạo tác thành những tượng để thờ phụng. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, những bức tượng Phật của các vị cao tăng ấy vẫn còn vẹn nguyên dáng vẻ trầm ổn, thanh thản của họ khi mới viên tịch.
Ở Việt Nam cũng có rất nhiều những pho tượng độc đáo được lưu truyền:
Pho tượng như người thật
Hiện tại, trong gian Quan âm chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) đang trưng bày pho tượng hòa thượng Thích Thanh Tứ - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Pho tượng gây sự tò mò cho du khách thập phương bởi kích cỡ và hình dáng y như người thật.
Được biết, bức tượng do các tăng ni, phật tử Thái Lan hiến tặng và được làm trong 1 năm. Năm 2008, nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội, đoàn Phật giáo Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ, gặp hòa thượng Thích Thanh Tứ và có tâm nguyện muốn tạc tượng hòa thượng.
Khi diện kiến, nhiều phật tử đã bật khóc bởi quá xúc động. Tượng được làm bằng sáp nhưng mỗi đường nét trên khuôn mặt nhìn giống hệt người thật. Từ đôi lông mày, mũi, miệng, nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Bàn tay trái bức tượng đang lần tràng hạt, nét gân nổi xanh, bàn chân cũng được tạo ngón rất chân thật.
Bức tượng biết đứng lên, ngồi xuống
Nhiều người sẽ rất tò mò khi thấy bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà (Hải Phòng) biết… chuyển động. Tượng có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai rồi lại từ từ ngồi xuống. Đây được xem là bức tượng độc đáo, hiếm gặp nhất trong số những bức tượng hiện có ở Việt Nam.
Bí mật về sự chuyển động của bức tượng nằm ở cánh cửa ngay điện thờ. Khi mở cửa, tượng sẽ dần đứng lên, nhưng khi khép lại thì tượng lập tức trở về tư thế ngồi ban đầu. Đây là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” của các nghệ nhân khi kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối.
Người dân ở vùng này coi bức tượng gần 700 tuổi như một báu vật và là biểu tượng của ngôi làng truyền thống.
Tác giả: