Người đẹp bình luận bóng đá: chương trình cần "yếu tố nóng"

( PHUNUTODAY ) - “Nóng cùng World Cup” dường như đang trộn lẫn tất cả những yếu tố ngoài lề để tạo nên độ hot cho chương trình. Điều này khiến những người thực sự yêu thích bóng đá cảm thấy bức xúc.

 Mục đích của việc đưa người đẹp lên bình luận bóng đá là gì?

Chắc chắn là để chương trình hấp dẫn hơn. Một chương trình bình luận bóng đá chất lượng đối với những người yêu bóng đá chân chính, thì đương nhiên phải bình luận về bóng đá dưới góc độ chuyên môn. Đối với họ, điều được quan tâm nhất là chiến thuật, đối sách của người cầm quân, là tình trạng, phong độ của các cầu thủ, là việc phối hợp và kết hợp đồng đội, là những gì có thể ảnh hưởng tới chất lượng trận đấu như thời tiết, khán giả, trọng tài, công nghệ, chất lượng sân…

Thế nên chương trình hấp dẫn đối với người yêu bóng đá thật sự thì phải nâng cao được chất lượng bình luận về những khía cạnh đó của một trận đấu. Những thứ khác có thể phù hợp hơn với chương trình kiểu như chuyện phiếm bên lề, và người nào thấy thích những thông tin kiểu như vậy thì sẽ lựa chọn xem.

Nhưng “Nóng cùng World Cup” lại đang trộn tất cả mọi thứ vào một chương trình và không cho phép người xem có nhu cầu được thỏa mãn về khía cạnh chất lượng chuyên môn được lựa chọn. Họ bị buộc phải xem, phải chịu đựng những điều vô bổ, tốn thời gian và bị buộc phải phân tâm vì những thứ gọi là bình đẳng giới, tôn vinh người phụ nữ một cách không phù hợp hay sỗ sàng hơn thì là yếu tố tiêu khiển, mua vui của chương trình.

Những cô gái xinh đẹp ngồi bình luận bóng đá không có am hiểu cơ bản và có rất ít những đánh giá chuyên sâu tinh tế hay cung cấp thêm thông tin hữu ích nào đó cho người xem. Mục đích đưa người đẹp lên bình luận chỉ là để phù hợp với cái tên “Nóng cùng World Cup” của chương trình. Và ít nhất họ cũng đã làm tròn nhiệm vụ khi khiến rất nhiều khán giả phải “nóng đầu” vì những bình luận vô thưởng vô phạt thậm chí ngây ngô đến lãng xẹt của mình. 

Nếu thật sự muốn có một góc nhìn từ phái đẹp về bộ môn vốn hay bị coi là chỉ dành cho nam giới thì sao không mời những khách mời nữ thật sự am hiểu về lĩnh vực này. Những phụ nữ có thể ngồi bình luận tay đôi cùng các chuyên gia nam giới không phải là hiếm, nhưng có lẽ họ không có cái mà nhà đài cần.

Nhiều khán giả phản ánh bức xúc một cách hài hước: chương trình nào phải rõ ra mục đích của chương trình ấy. Như một bữa cỗ phải có “chủ đề”, không thể vừa có xôi gấc, vừa có cháo lòng tiết canh, vừa có món bít-tết lại thêm món mắm tôm đậu phụ cho vào để “phong phú” được, dù món nào để riêng ra đều quý.

Tại sao muốn “nóng” thì phải có chân dài, có phải cái đẹp của người phụ nữ đang bị lợi dụng?

Chương trình đang gây ra cho người xem một cảm nhận rằng, có vẻ như muốn nóng thì phải có chân dài. Cũng giống như các buổi triển lãm, trưng bày xe hơi thì phải có PG (Promotion Girl – nữ nhân viên tiếp thị) ăn mặc nóng bỏng đứng cạnh thậm chí uốn éo, nằm bò lên những chiếc xe hơi bóng loáng.

Tạp chí Autocar của Anh đã từng nêu quan điểm rằng: “Có rất ít ngành công nghiệp trên thế giới, nơi con người được khai thác như vật trang trí cho những sản phẩm mới”, và ngành công nghiệp xe hơi là một trong những ví dụ điển hình.

Trước phong trào #Metoo, phụ nữ trên thế giới đã từng phát động phong trào nhỏ lẻ để phản đối việc lấy cơ thể người phụ nữ ra làm vật trưng bày, trang trí, hay công cụ hóa cơ thể người phụ nữ (objectification of women body) vì mục đích nào đó, đặc biệt là làm công cụ tình dục (sexual objectigication). Và những gì ngành quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đang làm, như quảng cáo xe hơi, đồ công nghệ, thời trang, thậm chí các show truyền hình, bìa sách báo… cơ thể phụ nữ và cả đàn ông cũng đã bị đem ra làm công cụ để bán hàng.

Hàng ngày, phụ nữ trên khắp thế giới phải đối mặt với các hình thức kỳ thị và quấy rối khác nhau, chỉ đơn giản bởi họ là phụ nữ. Có thể bạn sẽ không thấy có liên quan, nhưng việc soi mói cơ thể phụ nữ bằng ánh mắt và tấn công, quấy rối tình dục đều có mối liên hệ với việc vật thể hóa cơ thể phụ nữ.

Không thể mang lại một hệ lụy cho xã hội bằng việc khai thác vẻ đẹp phụ nữ rồi bao biện rằng đó là tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ. Làm nghề gì cũng đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp, và đạo đức của người làm truyền thông là không dẫn dắt, kích động những tư tưởng lệch lạc trong quần chúng chỉ vì chút lợi nhỏ của mình.

Tác giả:

Tin nên đọc