Mạnh Tử, một nhà triết học cổ đại từng nói: “Trước khi trời ban trách nhiệm trọng đại lên một ai đó, trời sẽ tôi luyện thể xác người đó và thuần hóa tinh thần của anh ta”.
Lại có câu: “Hoàng liên vi tiêu, khổ trung tầm lạc” (Tạm dịch: hoàng liên vị vốn đắng, nếu loại bỏ vị đắng đó mới tìm thấy vị ngọt, cũng giống như con người tìm vui trong sự khổ hạnh).
Nếu bạn muốn gặt hái thành công, tạo nên kỳ tích, gánh vác sứ mệnh thì ắt phải tôi luyện bản thân qua khổ ải. Hạnh phúc không phải là trốn tránh khó khăn để hưởng chút bình an nhỏ bé tạm bợ, mà là dám đương đầu với khổ nạn, vững vàng vượt qua thử thách và tận hưởng thành quả ngọt ngào.
Lã Đông Lai, một học giả nổi tiếng đời Tống, nói: “Ở đời, chết về thuốc độc, muôn người, hoạ mới phải một người, chớ chết về ăn không, ngồi rồi, thì thật nhiều. Cái độc “ăn không ngồi rồi” rất thảm, rất hại. Nhưng ta hãy đem một vài sự đáng sợ để thí dụ mà nghe.
Xe đi trên mặt đất đi chỗ gập ghềnh, thường được chắc chắn hơn chỗ phẳng phiu.
Thuyền đi trên mặt nước, đi chỗ ghềnh thác, thường được vững vàng hơn giữa dòng sông. Tại sao vậy? Tại vì, biết là khó khăn, mà giữ gìn, thì được yên; cho là dễ dàng, mà khinh thường, thì phải hỏng.
Người đời thường sống về những khi lo lắng cần khổ, mà chết về những lúc sung sướng yên nhàn. Nhẽ ấy rất rõ, mà người đời không biết sợ, là bởi không chịu xét đến nơi.
Những lúc rỗi việc, thử nghĩ mà coi. Vì đâu mà chí khí ta phải suy kém? Vì đâu mà công việc ta phải hư hỏng. Vì đâu mà uổng mất một đời rồi cùng nát với cỏ cây? Vì đâu mà hoá ra hôn mê, không biết quay đầu lại, rồi lại đeo thêm cái tiếng xấu về sau? Vì đâu thành chểnh mảng không biết lo xa rồi đến nỗi mắc vào tội vạ? Ấy rút lại mấy điều là chỉ bởi ăn không ngồi rồi mà ra cả. Sự ăn không ngồi rồi quả là cái cửa những điều ác. Cửa ấy người giỏi vào, đến lúc ra thì dở, người tỉnh vào, đến lúc ra thì mê, người cương trực vào đến lúc ra thì liệt nhược, người thanh khiết vào đến lúc ra thì ô uế, sự ăn không ngồi rồi hại thân, hại nhà, hại nước, nghĩ chẳng đáng sợ lắm ru!”
Vậy mới thấy, an nhàn là thuốc độc, mà nghịch cảnh lại là món quà. Đón nhận nghịch cảnh, mới có cơ hội tu thân, thay đổi vận mệnh, chuyển hoạ thành phúc. Khổ, ấy chính là con thuyền đưa ta đến bến bờ giác ngộ, giải thoát.
Thật đúng là, người đáng sợ nhất trên thế gian không phải là tiểu nhân, cũng không phải kẻ xấu mà là người vô minh. Gọi là vô minh bởi người ấy không phát giác được sự vô tri của mình. Thậm chí họ còn tin rằng mình luôn đúng. Họ không chịu lắng nghe người khác khổ tâm khuyên bảo, chỉ một mực vọng tưởng biến nó thành sự thực, làm những việc ngốc nghếch hại mình hại người.
Vô minh quyết định sự còn hay mất của duyên phận, vô minh mới là điều đáng sợ nhất! Có rất nhiều mối nhân duyên tưởng chừng đang tốt đẹp lại vì sự vô minh này mà bị phá hỏng, thậm chí còn hại người và hại chính bản thân mình.
Tác giả: