1. Không làm những việc gây tổn hại cho người khác
Từ xưa đến nay, nhân quả chính là thứ công bằng nhất trong vũ trụ. Bất kể làm điều tốt hay xấu, cũng như thiếu nợ ai những gì, tất sẽ có báo ứng và hoàn trả tương xứng. Có một câu chuyện như sau:
Thời xưa, kinh thành có một người làm nghề giặt quần áo thuê, cửa hàng của anh ta rất đắt khách. Hàng xóm của anh ta là một người làm gốm sứ, việc kinh doanh rất ảm đạm.
Người làm gốm cho rằng tiệm giặt đồ kia ảnh hưởng đến phong thủy của tiệm gốm nhà mình, thế là anh ta nảy ra ý định xấu nhằm hãm hại đối phương.
Anh ta cầu kiến Quốc vương, nói rằng người giặt đồ có kỹ thuật gia truyền, có thể tắm để biến voi đen thành voi trắng.
Nhà vua vui ra mặt, bởi đất nước ông cai quản toàn voi đen, mà voi trắng lại được xem là biểu tượng của may mắn, phồn vinh và giàu có, thế là ông liền lệnh cho người thợ giặt tắm cho tất cả voi đen để biến chúng thành voi trắng.
Người thợ giặt không dám kháng chỉ, trở về nhà, anh ta vô cùng buồn bã. Vợ anh ta thấy chồng như vậy liền hỏi chuyện. Sau khi nắm rõ sự tình, cô hiến cho anh một cách.
Ngày hôm sau, người thợ giặt gặp Quốc vương và nói: "Cái chậu giặt của nhà chúng tôi bé quá, không thể chứa hết một con voi lớn, vậy xin bệ hạ hạ lệnh cho làm một cái chậu gốm thật lớn có thể chứa được cả một con voi."
Nhà vua liền ra lệnh cho người làm gốm sứ trong vòng 3 ngày phải làm cho được một cái chậu gốm lớn, chứa được một con voi.
Đến lúc này, người làm gốm mới ngờ người, cuối cùng vì không thể làm được một cái chậu gốm theo đúng yêu cầu của nhà vua nên bị khép tội chết.
Suy cho cùng ở đời, hãy sống hướng thiện, tu nhân tích đức, ắt sẽ được hưởng phúc. Ngược lại, hại người cuối cùng lại hoá hại mình, thiện ác rốt cuộc đều có báo ứng. Trên thế gian này những người luôn hành thiện tích đức, nhất định sẽ có một tương lai tốt đẹp.
2. Không tham lam, chiếm lợi từ người khác
Lòng tham như giếng sâu không đáy, của cải vật chất sẽ khiến ta mờ mắt, chạy theo thứ xa hoa phù phiếm mà bất chấp làm điều tổn hại người khác. Theo quan niệm của nhà Phật, "tham sân si" là 3 thứ tạo nghiệp chướng cho chúng sinh. Trong 3 trạng thái tinh thần, ý thức vô cùng nguy hại này, không phải ngẫu nhiên mà nhà Phật đặt “tham” lên hàng đầu. Nó là dạng chất độc nguy hại nhất, làm méo mó nhân cách, đạo đức, hủy diệt con người ghê gớm nhất. Lòng tham của con người không có giới hạn, càng đáp ứng thỏa mãn nó, con người càng trượt sâu vào bể khổ, ác nghiệp, vô đạo vô luân.
Tuy nhiên, sống trên đời không dễ gì diệt dục (từ bỏ được lòng tham, ham muốn). Chỉ có bậc thánh hiền, bậc chân tu giác ngộ mới đạt sự vô vi-giải thoát. Người bình thường sống giữa thế giới vật chất, trong cuộc đua tranh, với nhiều cám dỗ, nên từ bỏ, giảm bớt lòng tham là điều cực kỳ khó khăn.
Dù vậy con người phải có sự tiết chế, biết điểm dừng thỏa mãn trước những nhu cầu, mong muốn. Người tham lam, hay chiếm lợi từ người khác thường hay bị hớ nặng, cuối cùng lại chịu thiệt về mình. Bởi lẽ trên đời không có cái gì là miễn phí, từ trước đến nay, những kẻ lừa đảo sở dĩ thành công là bởi chúng đã đánh trúng lòng tham của con người.
Đừng tham chiếm lợi của người khác, việc này tuyệt đối không được làm, ngược lại, những việc chịu thiệt thòi đôi khi vẫn nên làm, bởi chịu thiệt nhiều lúc lại là hạnh phúc.
3. Không "đi đường tắt"
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Tư tưởng và sự tu dưỡng của ông, cho đến nay vẫn được hậu thế ca ngợi. Mặc dù không phải là người thông minh giỏi giang từ nhỏ nhưng những nguyên tắc mà ông đã đặt ra cho bản thân đáng để người khác phải nể phục và cũng chính những nguyên tắc đó đã giúp ông thành công.
Đơn cử như việc đọc sách, Tăng Quốc Phiên yêu cầu bản thân không bao giờ được "đi đường tắt", không hiểu câu trên sẽ không đọc câu dưới, không đọc hết quyển sách này sẽ không sờ đến quyển sách khác.
Mặc dù phải bỏ ra 9 năm rùi mài kinh sử mới thi đỗ tú tài nhưng khi bước ngoặt này được mở ra, con đường về sau của ông ngày càng thuận lợi. 4 năm sau khi đỗ tú tài, ông lại tiếp tục đỗ tiến sĩ trong khi những bạn đồng môn đỗ tú tài từ sớm nhưng về sau, đến cử nhân cũng không có được một ai.
Về lĩnh vực đánh trận, Tăng Quốc Phiên cũng không bao giờ chọn đi đường tắt. Tương quân (đội quân được phát triển bởi Tăng Quốc Phiên) mỗi lần xuất quân, đi đến đâu sẽ xây dựng cơ sở đến đó, đem nhiệm vụ tiến công biến thành nhiệm vụ phòng thủ. Cứ như vậy từng tí một, họ thôn tính từng khu vực mà Thái Bình Thiên Quốc khống chế, cuối cùng thâu tóm được cả một vùng.
Thông thường, Tương quân phải mất cả năm mới có thể giành thắng lợi chứ không phải là hai ba tháng. Những kế hoạch họ làm cũng từng bước, tỉ mỉ công phu nhưng đảm bảo chắc chắn, hiệu quả dù rằng không ít người cho rằng đó là cách làm thật ngốc nghếch.
Tăng Quốc Phiên cho rằng, bản thân ông giành được thắng lợi vì không "đi đường tắt", bởi theo ông "những thứ nhìn có vẻ ngô nghê ngốc nghếch nhất trên đời lại có thể thắng những thông minh giảo hoạt nhất trên đời."
Trong cuộc sống cũng vậy, "đường tắt" có thể sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích hay một thứ gì đó trong thời gian ngắn, nhưng nó không bền.
Con người muốn đạt được thành công nhất định phải bỏ thời gian, tâm huyết để làm thì thành công ấy mới được bền vững lâu dài.
Tác giả: