Căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định, được cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Thứ giấy tờ mà người lớn nào cũng có, nhưng bí mật thú vị sau 12 con số thì không phải ai cũng biết.
Số căn cước công dân chính là số định danh cá nhân
Theo Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân là mã số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Như vậy, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng và duy nhất. Khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng chính mã số định danh cá nhân cấp trước đó để làm số căn cước công dân.
Nghị định 137/2015 quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số và chính là số căn cước công dân. Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp nhiều thông tin của công dân như họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, quê quán, dân tộc, tôn giáo, thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, chia sẻ, cập nhật, khai thác thông tin của công dân.
Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc. Mỗi công dân được cấp một số định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Khi đủ tuổi làm căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân được cấp chính là số định danh cá nhân.
Ý nghĩa 12 số trên thẻ Căn cước công dân
Số của thẻ căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Theo Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, dãy số này gồm 12 số, có cấu trúc gồm 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 06 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Cụ thể, Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa của từng chữ số này như sau:
- 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh,
- 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân
- 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân;
- 06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Trong đó:
- Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công dân khai sinh ở Hà Nội có mã 001, Hải Phòng có mã 031, Đà Nẵng có mã 048, TP. Hồ Chí Minh có mã 079…
Hiện nay, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên thẻ CCCD được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an.
- Mã thế kỷ và mã giới tính được quy ước như sau:
+ Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;
+ Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;
+ Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;
+ Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;
+ Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
- Mã năm sinh: Thể hiện hai số cuối năm sinh của công dân.
Ví dụ:
Số căn cước công dân là: 087084000999 thì:
- 087 là mã tỉnh Đồng Tháp
- 0 thể hiện giới tính Nam, sinh tại thế kỷ 20
- 84 thể hiện công dân sinh năm 1984
- 000999 là dãy số ngẫu nhiên.
Tác giả: Vũ Thêm
-
2 cách kiểm tra xem bạn bị lấy cắp thông tin CCCD gắn chip vay nợ xấu hay không
-
Dùng CMND cũ dù đã có CCCD gắn chíp: Làm ngay 3 việc quan trọng này nếu không muốn nộp phạt
-
Người có ngày sinh trúng 3 số này, phải đi đổi CCCD gắn chip ngay trong năm 2023 để không bị phạt
-
Dùng CCCD gắn chíp không cần nhớ 12 số, người hay quên chỉ cần đọc đúng 1 mã
-
Dùng thẻ CCCD gắn chip đi làm những việc này sẽ bị phạt rất nặng, cao nhất tới 6 triệu đồng