Trai bên trái, gái bên phải
Theo ông Luyện Văn Dũng – một người am hiểu về phong tục cúng giỗ ở Yên Mỹ, Hưng Yên, một bàn thờ thường đặt 3 bát hương trên đế Tam sơn. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì ở giữa là bàn thờ thổ công, hội đồng gia tiên, còn hai bên thì đặt bát hương thờ bà tổ cô và bát hương thờ ông mãnh theo quan niệm “trai bên trái, gái bên phải”. Ảnh đặt cũng sắp xếp theo “trai bên trái, gái bên phải” và theo cấp bậc, mỗi bát hương để cách nhau khoảng 10cm.
Trong đó bát hương thổ công bao giờ cũng to hơn 2 bát kia và đặt ở vị trí cao hơn. Nhiều nhà đặt quá nhiều bát hương trên bàn thờ là không đúng cách sẽ không tổ hợp được sức mạnh tâm linh. Ngoài ra, không thể để thờ hai họ nội và ngoại cùng bát hương bởi quan niệm trần sao âm vậy.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Phát triển Khoa học Việt Nam - Đông Nam Á) tùy thuộc vào hoàn cảnh từng nhà mà đặt bàn thờ cũng như lập các bát hương, chứ không nên quá máy móc. “Điều quan trọng là cái tâm thành kính. Nhiều người cho rằng, không nên thờ chung họ nội và ngoại trong một bàn thờ nhưng theo tôi điều đó không sao cả bởi bàn thờ giống như một lịch sử của một dòng họ là để tưởng niệm, biết ơn với những người quá cố đã sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Hơn nữa, việc đặt vị trí bàn thờ là điều quan trọng rồi nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải luôn giữ cho bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp hương để tưởng nhớ về tổ tiên và người đã khuất, bàn thờ thần tài cầu may”, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nói.
Về vị trí đặt bàn thờ, ông Luyện Văn Dũng cho biết, theo tập tục của dân gian thì ban thờ gia tiên thường được đặt giữa gian nhà hướng ra mặt tiền. Tuy nhiên, việc đặt bàn thờ có một nguyên tắc là hướng về cái đẹp và tùy theo tuổi của gia chủ. Mỗi gia đình tùy theo hoàn cảnh rộng, hẹp, nhiều tầng hay nhiều phòng mà chọn chỗ đặt bàn thờ cho thích hợp nhưng phải hướng về cái đẹp: Thiên y, Sinh khí, Phúc đức hoặc Phục vị, chứ không được đặt bàn thờ hướng về cái xấu: Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên. Với một gia đình riêng có nhiều tầng thì tầng trên cùng của tòa nhà đặt phòng thờ là hợp lý nhất. Nó không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Nếu không có không gian làm phòng thờ riêng có thể bố trí trong phòng khách, không nên bố trí tại phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp. Việc đặt ban thờ ở tầng 1 cũng không sao, tuy nhiên cần tránh tầng trên không được kê giường ngủ, phòng vệ sinh… bởi nó sẽ làm giảm tính tôn nghiêm của không gian trang trọng này.
Những lưu ý khi bày bát hương trên bàn thờ
Bát hương các gia đình nên mua loại bền, đẹp, sử dụng được lâu, mua bát hương Bát Tràng chứ đừng nên dùng bát hương Tàu, có chữ Hán trên thành bát hương làm gì. Khi lựa chọn mẫu mã, màu sắc bát hương không chọn màu vàng cho bát hương thờ gia tiên vì màu vàng là màu hoàng tộc, chỉ dùng để thờ vua, quan, thần, có chức tước mà thôi. Bên trong bát hương khi lau hay thay thì cũng nên thay bằng tro trấu thơm, có bán nhiều tại các cửa hàng vàng mã, nhiều gia đình cho cát vào là không nên. Trấu ở đây là đại diện cho hạt ngọc Trời, thanh sạch và cao quý. Cũng có gia đình cho bằng gạo nếp thơm, tuy nhiên, vào trời ẩm nồm, gạo dễ bị mốc. Luôn dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ gia tiên, tuy nhiên, khi dọn dẹp tránh không được xê dịch bát hương vì quan niệm xưa cho rằng, xê dịch bát hương sẽ làm kinh động đến thần linh, tổ tiên, bà cô, ông mãnh không tốt cho gia chủ.
Tác giả: