Rước đèn ông sao
Rước đèn lồng là một trong những hoạt động không thế thiếu của người Việt trong dịp tết Trung thu. Là cách thức tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung Thu vừa hát bài "Chiếc đèn ông sao". Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm.
Các em thiếu nhi trong đêm trung thu đều hào hứng và vui sướng khi được cầm trên tay chiếc đèn ông sao, đèn con tôm hay con cá, tấp nập cùng bạn bè vừa đi vừa hát hò theo tiếng trống tiếng chiêng của thôn làng.
Cùng với rước đèn, mỗi em thiếu nhi cầm trên tay một đồ chơi tinh nghịch cho riêng mình như: gậy Tôn hành giả, mặt nạ các nhân vật hoạt hình khác nhau (Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...), thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi.
Múa lân
Múa lân hay còn gọi là múa Sư tử là một loại hình nghệ thuật xuất xứ từ Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Theo sách Trung Quốc cổ, "Kỳ" là tên con Sư tử đực, "Lân" là tên con Sư tử cái. Người ta không phân biệt chúng là đực hay cái nên gọi chung là Kỳ Lân.
Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị.
Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn. Hãy chuẩn bị 1 cái trống cỡ vừa, vẽ mặt nạ lân, ông địa, thần tài. Hướng dẫn trẻ vào vai diễn và chạy vòng theo nhịp trống để tạo không khí sôi động trước khi bắt đầu các trò chơi khác.
Phá cỗ
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.
Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được.
Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình.
Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Tò he
Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu. Nặn tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ.
Các nguyên liệu để làm tò he cũng rất thân thuộc với ruộng đồng như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.
Rồng rắn lên mây
Từ 5 em trở lên, một trẻ đóng vai "ông chủ" và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại nối đuôi, vừa đi vừa đọc: "Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Có cái nhà điểm binh. Có ông chủ ở nhà không?" rồi dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ trả lời "có" hoặc "không". Nếu nghe trả lời "không", trẻ sẽ đi và tiếp tục đọc những câu trên. Nếu trả lời "có", trẻ sẽ hỏi: "Ông xin khúc nào?" Ông chủ có thể nói: "Cho xin khúc giữa/đuôi?" Cả nhóm: "Tha hồ mà đuổi".
Sau câu trả lời đó, ông chủ chạy sao cho chạm được "khúc" (người) mà mình đã xin. Những người đứng đầu nhóm dang tay che cho người được xin không bị bắt. Nếu ông chủ bắt được, người đó sẽ làm ông chủ và chơi lại từ đầu.
Đèn kéo quân
Đèn kéo quân được mệnh danh là vua của các đèn lồng. Với những vật liệu quen thuộc và dễ kiếm ở bất cứ miền quê nào, như tre, giấy dó, hồ bột nếp, nến, cộng thêm chút khéo tay, tỉ mỉ, một chiếc lồng đèn kéo quân sẽ ra đời.
Người làm đèn lồng kéo quân cần có sự tinh tế, kiên nhẫn, trục quay phải được vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để đỡ khung quay, tán đèn phải được căn chỉnh một góc phù hợp mới có thể quay… Khi đèn được đốt lên, nhờ sức đẩy của ngọn nến thắp bên trong mà trục đèn quay tròn, các hình thể cũng quay theo, hiện ra bốn mặt của cây đèn.
Đèn cù
Để tạo thành một chiếc đèn cù cần rất nhiều công phu, bắt đầu bằng việc chẻ nứa vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng màu, sửa lại bằng kéo. Tiếp đến là vẽ hình trang trí bằng sơn, tra then ngang, buộc lõi dây thép và cắm vào đai đèn một bánh xe gỗ để đèn có thể chuyển động khi đưa qua đưa lại.
Đèn cù cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo các thế hệ trước, tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó. Khi gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.
Đốt pháo hạt bưởi
Đốt pháo hạt bưởi là trò chới rất thú vị. Nó khiến cho mỗi đữa trẻ phải cười vang khi chơi vì thích thú. Sắp đến trung thu là sau mỗi lần ăn bưởi những đứa trẻ lại nhanh chóng thu lại những hạt bưởi để đem đi phơi.
Sau khi đã tích trữ được một lượng hạt bưởi kha khá chúng sẽ kiếm những sợi dây thép nhỏ để xâu chuỗi những hạt bưởi thành các tràng dài. Những tràng hạt này sẽ được buộc vào một cái gậy để làm tay cầm, tránh bị bỏng khi chơi. Trong hạt bưởi có tinh dầu nên khi đốt nó tỏa ra một hương thơm vô cùng dễ chịu. Những đứa trẻ lại thi nhau hít hà rồi nhìn nhau cười đầy thích thú.
Tác giả: