Tính theo chiều dài lịch sử phong kiến từ thời nước Nam khởi lập tới hết triều nhà Nguyễn thì Thanh Hóa tức Ái Châu xưa là vùng đất phát tích nhiều vua chúa nhất. Thanh Hóa được ghi nhận là quê hương của nhiều vị vua nhất với 44 người, gồm nhà Tiền Lê (2 vua), nhà Hồ (2 vua), nhà Hậu Lê (27 vua) và nhà Nguyễn (13 vua). Ngoài ra mảnh đất này là quê hương 2 dòng chúa Trịnh và chúa Nguyễn cũng xuất thân từ Thanh Hóa.
Thanh Hóa xưa thuộc bộ Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Triệu là quận Cửu Chân… Đời nhà Lương thì Thanh Hóa được gọi là Ái Châu, đến thời nhà Lý được đổi làm phủ Thanh Hóa, tên gọi Thanh Hóa từ đó mà được biết đến.
Đất Thanh Hóa được xem là vùng đất có hình thế tốt vì theo Sách Đại Nam nhất thống chí ghi thì: "Mặt đông trông ra biển lớn, mặt tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở". Thanh Hóa cũng được xem là yết hầu của nước Nam. Theo đó người ta đánh giá vùng đất này đắc địa nên con người ở đây mưu trí và địa lợi nhân hòa tạo nên ở vùng đất này nhiều người xưng vương xưng đế.
Thanh Hóa, đất của vua
Theo thống kê thì nơi đây sản sinh ra 44 đời vua Việt, gồm nhà Tiền Lê (2 vua), nhà Hồ (2 vua), nhà Hậu Lê (27 vua) và nhà Nguyễn (13 vua)
Năm Mậu Thìn (248), Lệ Hải bà vương Triệu Thị Trinh đánh quân Ngô tại núi Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa làm quân giặc khiếp đảm tôn phục với câu cửa miệng “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ. Đối mặt vua bà khó). Mặc dù chưa lập triều nhưng người nữ anh hùng ấy đã được phía bên kia xem như vua.
Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ quê làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết Độ sứ, nhưng thực ra đã là một “vua không ngai” khi tiếp nối được nền độc lập, tự chủ do dòng họ Khúc dựng nên từ năm Ất Sửu (905).
Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo mời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để thống nhất lòng dân chống quân xâm lược Tống, từ đó mở ra nhà Tiền Lê (980 - 1009). Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành vốn quê xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhà Tiền Lê trải ba đời gồm Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngọa Triều (1005 - 1009).
520 năm sau, cũng năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu, kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Tổ tiên ông vốn ở Chiết Giang, Trung Quốc, sau di cư sang sống ở Diễn Châu, Nghệ An rồi chuyển ra hương Đại Lại, Thanh Hóa lập nghiệp. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua trong 7 năm (1400 - 1407).
Trong khoảng 1428 – 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê gồm giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn lên vua xưng là Lê Thái Tổ. Vua Lê Lợi quê ở Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giai đoạn Lê sơ trải qua 10 vị vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, được xem là thời thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt với đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Giai đoạn Lê Trung hưng đánh dấu sự phục hồi của nhà Lê sau khi bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi với vị vua đầu tiên Lê Trang Tông (1533 - 1548), và kết thúc với vua thứ 16 Lê Chiêu Thống (1786 - 1789).
Nhà Nguyễn (1802 - 1945) do Nguyễn Ánh tức vua Gia Long hưng khởi. Tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn (xã Hà Long, huyện Hà Trung nay). Nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).
Thanh Hóa quê nhà của chúa
Nước Việt ghi nhận 2 dòng chúa là chúa Trịnh và chúa Nguyễn thì đều xuất phát từ Thamh Hóa.
Chúa Trịnh thế kỷ XVI - XVIII do Trịnh Kiểm lập nên, xuất thân từ Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tuy tiếng là phò giúp nhà Lê, nhưng quyền lực thực tế của các chúa Trịnh lại át cả vua Lê, có cung vua thì có phủ chúa. Dòng dõi chúa Trịnh bắt đầu từ chúa Trịnh Kiểm (1545 - 1570) cho đến thời chúa Trịnh Bồng (1786 - 1787) bị Bắc Bình vương Nguyễn Huệ dẹp thì dứt hẳn.
Chúa Nguyễn được lập lên sau chúa Trịnh. Năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên “Hoành Sơn nhất đại, khả dĩ dung thân” đã vào trấn trị đất Thuận Hóa. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là con trai thứ của An Thành hầu Nguyễn Kim người Gia Miêu ngoại trang được nói tới ở trên. Dòng dõi chúa Nguyễn trải qua 9 đời từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) cho tới Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), có công lập nên và khai phá đất Đàng Trong, mở rộng dần về phía Nam đất nước cho tới tận Mũi Đất, Cà Mau.
Tác giả: An Nhiên
-
90 ngày cuối cùng năm 2024 Âm lịch: 3 tuổi Trúng Số đổi vận, Tiền - Tài đủ cả
-
Tử vi ngày 28/10, con số may mắn cho 12 chòm sao có cơ hội đổi đời
-
Tử vi ngày 28/10, con số may mắn thần tài ban phát lộc lá cho 12 con giáp trở nên giàu có may mắn
-
Giải mã nguyên nhân khiến chó sủa đêm: Có phải do chúng cảm nhận được điều gì đó?
-
Từ giờ đến Tết Nguyên đán 2025, 2 tuổi làm ăn thắng lớn, tiền đẻ ra tiền, 1 tuổi đối mặt sóng gió