Ngày 11/1, Công an TPHCM đang điều tra làm rõ vụ mạo danh là nhân viên bưu điện, cán bộ công an, Viện phó Viện KSND để lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của bà L.T. (ngụ quận 10).
Tại cơ quan điều tra, bà T. trình báo, ngày 2/1, bà nhận được một cuộc gọi đến số điện thoại bàn của gia đình.
Bà T. bắt máy. Đầu dây bên kia là một người phụ nữ nói giọng Bắc. Người này tự xưng là nhân viên bưu điện và nói rằng bà T. có mở thẻ tín dụng của 1 chi nhánh ngân hàng ở TP.Hà Nội.
Người này còn thông báo bà T. nợ số tiền gần 40 triệu đồng.
Sau đó, bà T. khẳng định bản thân ở TP. HCM và không hề mở thẻ tín dụng. Đầu dây bên kia nói rằng có thể thông tin cá nhân của bà đã bị kẻ gian đánh cắp.
Sau đó, nữ nhân viên bưu điện kia nói sẽ chuyển máy cho cán bộ Công an TP.Hà Nội để nói chuyện với bà T.
Một nam giới giới thiệu tên là Phạm Tuấn Anh hiện đang là trung uý Công an TP. Hà Nội, giọng miền Bắc nói bà T. đã dính líu tới một đường dây ma túy cực lớn mà công an đang điều tra.
Khi này, bà T. hoảng hốt giải thích mình không có liên quan đến bất cứ hoạt động tội phạm nào.
Chưa dừng lại ở đó, trung úy công an còn nối máy cho bà T. nói chuyện với một người Quách Văn Dũng xưng là Viện phó VKSND TP. Hà Nội. Cán bộ này đọc lệnh tạm giam 4 tháng đối với bà T. và đưa ra yêu cầu bà phải đến Hà Nội để thụ lý vụ án.
Nếu không đi được, bà T. phải chuyển số tiền 100 triệu đồng để bảo lãnh.
Những kẻ giả danh cung cấp cho bà T. số tài khoản của một người tên là Nguyễn Văn Thượng. Do không đủ tiền nên bà T. đã chuyển gần 35 triệu đồng.
Hai ngày sau lại có người tiếp tục gọi điện nói bà T. liên quan đến đường dây ma túy hơn 6 tỷ đồng. Nhóm lừa đảo yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của một người tên là Bùi Đình Đương để xác minh nguồn tiền. Nếu không có vấn đề gì liên quan đến tội phạm, số tiền sẽ được hoàn trả cho bà T.
Sau đó, bà T. đã đến ngân hàng và chuyển gần 900 triệu đồng cho đối tượng Đương.
Kể từ thời điểm đó, bà không liên lạc được với nhóm đối tượng lừa đảo nữa.
Công an TP. HCM đã lấy lời khai của bà T. và tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Đáng nói, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại này không phải mới xuất hiện tuy nhiên vẫn rất nhiều người "sập bẫy", nhẹ dạ chuyển một khối tài sản lớn cho tội phạm chỉ sau một cuộc điện thoại.
Tác giả: