Dấu hiệu điện thoại bị chiếm quyền điều khiển và cách bảo vệ an toàn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lưu ý khách hàng một số dấu hiệu đáng ngờ, nhận biết thiết bị có thể bị chiếm quyền điều khiển như: máy mau hết pin và chạy chậm, xuất hiện ứng dụng lạ trên điện thoại...
Ngoài ra, nếu xuất hiện ứng dụng tự động bật lên ngay cả khi không sử dụng điện thoại hoặc lưu lượng pin bất ngờ hao hụt nhanh hay máy nóng lên bất thường thì quyền trợ năng đã được bật cho một số ứng dụng lạ và không thể tắt được quyền trợ năng... Lúc này, thiết bị của khách hàng có thể đã bị chiếm quyền.
Theo Techcombank, nếu nghi ngờ thiết bị đã bị nhiễm mã độc, khách hàng nên ngắt kết nối WiFi, dữ liệu di động trên thiết bị. Liên hệ ngay tới các kênh của ngân hàng như tổng đài hỗ trợ 24/7, gửi email hoặc tới điểm giao dịch gần nhất để khóa các dịch vụ. Đồng thời tới cửa hàng dịch vụ điện thoại uy tín để đưa điện thoại về chế độ cài đặt gốc.
Trong khi đó, ACB khuyến cáo khách hàng một số cách xử lý khi nghi ngờ thiết bị điện thoại bị chiếm quyền hoặc mã độc. Đó là nhập sai mật khẩu 5 lần liên tiếp để khóa truy cập ứng dụng ngân hàng hoặc liên hệ với ngân hàng để tạm khóa dịch vụ; rà soát các ứng dụng trên điện thoại; chỉ tải các ứng dụng trên CH Play (với Android) và App Store (với iOS).
ACB cũng khuyến nghị để tránh bị kẻ gian lợi dụng, khách hàng nên thực hiện "3 không" gồm: Không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn, mạng xã hội từ nguồn tin chưa xác thực; Không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không nghe và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng tự xưng nhân viên thuế, công an, dịch vụ công… dưới bất kỳ hình thức nào.
Còn VPBank đề nghị khách hàng tắt toàn bộ quyền trợ năng cho các ứng dụng nguy hại rồi mới có thể đăng nhập thành công VPBank NEO và thực hiện giao dịch. Quá trình cảnh báo sẽ lặp lại nếu thiết bị của khách hàng tiếp tục cấp quyền trợ năng cho các ứng dụng rủi ro mới.
Các chuyên gia bảo mật đánh giá hành động này có thể bảo vệ an toàn 100% cho các khách hàng đã trót cấp quyền trợ năng cho các ứng dụng không an toàn.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Agribank, TPBank... cũng đưa ra cảnh báo giúp khách tránh rơi vào các bẫy lừa đảo tinh vi.
Cần làm gì khi điện thoại bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển?
Theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, tất cả những nạn nhân trên đều bị lừa đảo với cùng một “công thức”.
Ban đầu, đối tượng lừa đảo sẽ gọi hoặc liên hệ các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế hoặc cơ quan công an để nộp thuế, định danh điện tử... Sau đó, các đối tượng này sẽ thuyết phục các nạn nhân cài đặt ứng dụng theo chỉ dẫn.
“Các trang web giả mạo sẽ được ngụy trang như cửa hàng ứng dụng Google Play Store (CHPlay). Các đối tượng cũng sẽ giả mạo logo của chính phủ Việt Nam; giả mạo nút cài đặt để điều hướng nạn nhân sang link tải file có đuôi .apk độc hại; giả mạo đánh giá nhận xét và giả mạo bình luận đánh giá đánh giá tốt về ứng dụng” – ông Hiếu cho biết.
Để phòng tránh các trường hợp lừa đảo này, theo chuyên gia an ninh mạng, người dân tuyệt đối không tải ứng dụng lạ và làm theo hướng dẫn của kẻ gian. Đồng thời, luôn kiểm chứng lại thông tin bằng cách gọi điện thoại lên cơ quan thuế hoặc lên cơ quan công an.
Người dân chỉ tải ứng dụng tại 2 cửa hàng ứng dụng là CHPlay và App Store. Đặc biệt, tuyệt đối không bao giờ cho phép ứng dụng toàn quyền điều khiển điện thoại.
Trong trường hợp đã ấn vào link để tải ứng dụng, người dân cần ngay lập tức để chế độ máy bay/ tắt nguồn điện thoại. Tiếp sau đó, cần tháo sim và mang ra cửa hàng điện thoại để cài đặt lại máy.
Tác giả: Mộc
-
Nghề đang tăng trưởng vượt bậc, kiếm tiền tỷ mỗi năm mà không cần đến công ty
-
Bắt đầu từ 7/2025: 1 nhóm tăng lương hưu, 3 nhóm đối tượng bị tạm dừng hưởng lương hưu, là ai?
-
4 thứ đặt ở đầu giường nợ nần kéo về, tài lộc khánh kiệt, là thứ gì?
-
Thêm đối tượng bắt buộc phải đi đổi CCCD, cố tình giữ lại bị xử phạt nặng
-
5 quy định mới khi đi khám, chữa bệnh BHYT từ 2025