Trong Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Ngũ vương có kể lại câu chuyện Đức Phật khuyên răn các đệ tử không nên du hành lâu, kẻo khó tu tập, trau dồi kiến thức.
Sau khi Thành đạo và hóa độ được một số đông đệ tử xuất gia thành tựu Thánh quả, Thế Tôn khuyến khích Tỳ kheo “Hãy du hành vì an lạc, lợi ích cho số đông; vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Tuy nhiên, Thế Tôn cũng nhắc nhở Tỳ kheo nên du hành vì ở lâu sinh dính mắc.
Thế nhưng, trong một năm không phải lúc nào các Tỳ kheo cũng du hành giáo hóa độ sanh. Đặc biệt là 3 tháng mùa mưa, Thế Tôn thường khuyến tấn các Tỳ kheo nên dừng chân an cư, ở yên một chỗ tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ. Bởi lẽ ở lâu một chỗ thì sinh ra dính mắc mà du hành nhiều rày đây mai đó hoài cũng lắm gian nan.
Chúng ta hãy cùng nghe Đức Phật dạy về những gian nan của người đi lại nhiều, đi nhiều khó tu:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
- Người du hành nhiều có năm gian nan. Thế nào là năm? Ở đây, người thường du hành không tụng giáo pháp, quên mất giáo pháp đọc tụng, chẳng định được ý, đã được tam muội lại quên mất, nghe pháp không thể giữ gìn. Đó là, này Tỳ kheo! Người du hành nhiều có năm việc khó này.
Tỳ kheo nên biết! Người không du hành nhiều có năm công đức. Thế nào là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ được đắc pháp, được rồi chẳng quên nữa, nghe nhiều có thể gìn giữ, hay được định ý, đã được tam muội không bị mất nữa.
Đó là, này Tỳ kheo! Người không du hành nhiều có năm công đức này. Thế nên, các Tỳ kheo! Chớ nên du hành nhiều. Như thế, các Tỳ kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Thực tế cho thấy rất rõ ràng, người tu mà đi nhiều và công việc nhiều quá thì không có thời gian và điều kiện để tụng kinh, đọc sách, nghe pháp. Nguy cơ hơn, vì không tụng kinh và nghe pháp thường xuyên nên dẫn đến có thể quên mất giáo pháp đã được nghe trước đó. Mặt khác, đi nhiều thì đối duyên xúc cảnh nhiều nên khó điều phục tâm ý hơn.
Đặc biệt là đối với người đã đắc định (tam muội) rồi mà chưa sâu thì có khả năng mất định, khó thiết lập trạng thái nhất tâm. Ngoài ra, nếu du hành nhiều, dù không quên giáo pháp đi nữa nhưng vì thiếu duyên nên cũng khó thực hành trọn vẹn lời Phật dạy.
Ngược lại, người biết tùy thời dừng bước chân du hóa để an cư thì được 5 công đức. Nhờ sống chung nên được nghe giáo pháp từ các bạn đồng tu liên tục trùng tuyên hoặc giảng giải. Ngày trước, khi học đường Phật giáo chưa thịnh hành thì mùa an cư là dịp may hiếm có để các hành giả hiểu biết thêm giáo pháp.
Nhờ đời sống hướng nội, nên sau khi được nghe cùng chiêm nghiệm thì hiểu biết và ghi nhớ về giáo pháp sâu sắc hơn. Mặt khác, nhờ thắng duyên an cư nên những giáo pháp đã nghe được ứng dụng vào đời sống tu hành rất dễ dàng.
Quan trọng nhất là nhờ ở yên một chỗ nên tâm ý được định tĩnh và năng lực an trú thiền định ngày càng vững chắc, kiên cố hơn.
Mới hay, tinh thần tu tập của Thế Tôn là trung đạo, tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên. Hợp thời thì các Tỳ kheo du hành và đúng lúc thì các Tỳ kheo an cư.
Du phương giáo hóa hay dừng bước an cư đều không ngoài mục tiêu tự lợi và lợi tha. Tùy duyên, linh động mà thành tựu cả hai công hạnh lợi mình và lợi người chính là đang thực hành đúng theo lời Phật dạy.
Tác giả: